Bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn: Khi nào cần và bổ sung sao cho đúng?

Bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn: Khi nào cần và bổ sung sao cho đúng?

Bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn là giải pháp được nhiều phụ huynh lựa chọn khi con ăn uống kém, chậm tăng cân. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cần thiết và bổ sung sai cách có thể gây hại. Bài viết sẽ giúp bạn nhận biết dấu hiệu thiếu kẽm và cách bổ sung khoa học, an toàn cho trẻ.

Kẽm là một khoáng chất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em. Kẽm không chỉ đóng vai trò trong việc kích thích vị giác, giúp trẻ ăn ngon miệng mà còn hỗ trợ hệ miễn dịch, sự phát triển chiều cao và trí tuệ, cũng như quá trình chuyển hóa dinh dưỡng. Tuy nhiên, thiếu kẽm có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là biếng ăn và chậm phát triển ở trẻ. Chính vì thế, việc bổ sung kẽm cho bé đúng cách và an toàn là rất quan trọng.

Vai trò của kẽm với trẻ biếng ăn

Kích thích vị giác và giúp trẻ ăn ngon miệng

Kẽm có vai trò quan trọng trong việc duy trì và kích thích vị giác, khứu giác của trẻ. Khi cơ thể thiếu kẽm, các vị giác sẽ không hoạt động tốt, khiến trẻ cảm thấy thức ăn nhạt, không có cảm giác ngon miệng và từ đó dẫn đến biếng ăn. Bổ sung kẽm giúp cải thiện tình trạng này, kích thích sự thèm ăn của trẻ, làm tăng sự hấp dẫn của bữa ăn.

Hỗ trợ hệ miễn dịch

Kẽm là một yếu tố cần thiết để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, chống lại các tác nhân gây bệnh. Trẻ em có đủ kẽm sẽ ít mắc các bệnh vặt, đồng thời phục hồi nhanh hơn khi bị ốm. Một hệ miễn dịch mạnh mẽ sẽ hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ, từ thể chất đến trí tuệ.

Tăng trưởng chiều cao và trí tuệ

Kẽm tham gia vào thành phần của hơn 300 loại enzymes khác nhau của cơ thể. Kẽm cũng giúp kích thích sản sinh hormone tăng trưởng, hỗ trợ sự phát triển của xương và mô cơ. Ngoài ra, kẽm còn có tác dụng tốt đối với sự phát triển trí tuệ, giúp bé cải thiện khả năng học hỏi và ghi nhớ, giảm lo âu và căng thẳng, từ đó phát triển các kỹ năng nhận thức một cách tốt nhất.

Tiêu hoá thức ăn

Kẽm tham gia vào cấu trúc của các loại enzyme tiêu hoá, giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm hiệu quả hơn. Nếu thiếu kẽm, quá trình tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất và tăng trưởng chậm.

>>> Xem thêm: Trẻ kém hấp thu bổ sung gì? 4 lời khuyên cho mẹ thông thái

Dấu hiệu thiếu kẽm ở trẻ

Thiếu kẽm có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, khi cơ thể đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Chưa có dấu hiệu lâm sàng đặc hiệu nào phản ánh tình trạng thiếu kẽm ở trẻ nhưng có một số biểu hiện thường gặp như:

  • Biếng ăn
  • Buồn nôn/nôn
  • Chậm tăng cân và chậm phát triển chiều cao, trí tuệ
  • Rối loạn vị giác
  • Dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng (hệ tiêu hoá, hô hấp,...)
  • Da khô và các vấn đề về da, lông, tóc, móng (dễ gãy, rụng, chậm lành,...)
  • Rối loạn giấc ngủ (trằn trọc, khó ngủ, ngủ ít, hay giật mình,...)

Để xác định chắc chắn hơn, có thể thực hiện xét nghiệm kẽm huyết thanh để khẳng định thiếu kẽm.

Cách bổ sung kẽm an toàn cho trẻ

Bổ sung kẽm đúng cách và an toàn là rất quan trọng để tránh các vấn đề dư thừa kẽm. Dưới đây là một số cách bổ sung kẽm an toàn cho trẻ:

Thực phẩm giàu kẽm

  • Thịt đỏ: thịt bò, thịt lợn, thịt cừu…
  • Hải sản: tôm, cua, sò, hàu,...
  • Các loại đậu: đậu nành, đậu đen, đậu lăng,...
  • Các loại hạt: hạt hướng dương, hạt bí, hạt mè,...
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: sữa, phô mai, sữa chua,...

Bảng tham khảo hàm lượng kẽm trong thực phẩm

Tên thực phẩmKẽm (mg/100g)Tên thực phẩmKẽm (mg/100g)
Nhóm thủy sản Nhóm khoai củ 
13,4Củ cải1,1
Trùng trục7Khoai tây0,3
Cua ghẹ3,5Khoai lang0,2
Nhóm thịt   
Tim gà6,5Lưỡi lợn3
Gan lợn5,7Tim lợn2,8
Thịt bò lưng, nạc4Thịt lợn nửa nạc nửa mỡ2,7
Thịt dê nạc4Bầu dục lợn2,7
Thịt bò lưng nạc và mỡ3,6Mề gà2,7
Lòng gà (cà bộ)3,3Thịt lợn nạc2,5
Gan vịt3  
Nhóm trứng   
Lòng đỏ trứng gà3,7  
Trứng gà0,9  
Nhóm ngũ cốc 

Nhóm hạt giàu đạm, béo

 
Bột mì2,5Hạt điều5,7
Ngô vàng hạt khô2,2Đậu Hà Lan (hạt)4
Gạo nếp cái2,2Đậu tương (đậu nành)3,8
Gạo tẻ già2Lạc hạt1,5
Gạo tẻ máy1,5  
Rau   
Mộc nhĩ7,5Rau răm1
Rau ngô1,4Rau ngót0,9
Hành tây1,4Rau giền cơm0,9
Cà rốt1,1Cải xanh0,9
Đậu Hà Lan1,1Tỏi ta0,9
Măng chua1,1  
Nhóm quả   
Ổi2,4Xoài chín0,56
Mít dai0,67Chuối tiêu0,37

Thực phẩm bổ sung/thực phẩm chức năng

Trường hợp chế độ ăn không thể đáp ứng đủ nhu cầu kẽm, có thể bổ sung kẽm bằng các loại thực phẩm bổ sung kẽm dạng viên hoặc siro. Tuy nhiên, việc bổ sung kẽm phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo hàm lượng an toàn.

>>> Xem thêm: Bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn trong bao lâu?

Nên bổ sung kẽm trong bao lâu?

Thời gian bổ sung kẽm cho trẻ phụ thuộc vào tình trạng thiếu kẽm của trẻ. Thông thường, khi trẻ được xác định thiếu kẽm, bác sĩ sẽ đề nghị bổ sung kẽm trong khoảng từ 1 đến 3 tháng và kết hợp với chế độ ăn cân đối, đầy đủ dinh dưỡng.  Sau thời gian này, phụ huynh cần đưa trẻ đi tái khám để kiểm tra lại tình trạng sức khỏe và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng nếu cần thiết.

Thừa kẽm có dấu hiệu gì?

Mặc dù kẽm rất quan trọng, nhưng nếu bổ sung quá liều có thể dẫn đến thừa kẽm, gây ra các vấn đề sức khỏe như:

  • Buồn nôn, ói mửa
  • Tiêu chảy
  • Đau đầu, chóng mặt
  • Giảm hấp thu đồng
  • Chuột rút

Có nên tự ý mua kẽm bổ sung cho bé?

Không nên tự ý mua kẽm bổ sung cho trẻ mà không có sự chỉ định hoặc tư vấn của bác sĩ. Việc bổ sung kẽm cần phải đúng liều lượng và phù hợp với nhu cầu của từng trẻ. Việc bổ sung không đúng cách có thể gây thừa kẽm, dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn. Phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi quyết định bổ sung kẽm cho trẻ.

Tài liệu tham khảo

  1. Vai trò của vi chất Kẽm đối với sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, https://chuyentrang.viendinhduong.vn/vi/thong-tin-giao-duc-truyen-thong/vai-tro-cua-vi-chat-kem-doi-voi-su-phat-trien-the-chat-va-tinh-than-cua-tre.html
  2. Vai trò của Kẽm với tăng trưởng miễn dịch trẻ em, http://vichat.viendinhduong.vn/120/print-article.html
  3. Zinc: Everything You Need to Know, https://www.healthline.com/nutrition/zinc
  4. Dinh dưỡng lâm sàng, Bộ Y tế

Đang xem: Bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn: Khi nào cần và bổ sung sao cho đúng?

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng