Các chất dinh dưỡng nào thường bị thiếu hụt trong chế độ ăn của trẻ em 1-6 tuổi?
Thiếu chất dinh dưỡng thường gặp trong bệnh lý suy dinh dưỡng, rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Một chế độ ăn đầy đủ và cân đối, các chất dinh dưỡng đa lượng (đạm, tinh bột, chất béo) thường dễ dàng tính toán để đảm bảo khẩu ăn cho trẻ. Nhưng đối với các chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất thì rất khó nhận biết rằng trẻ đã được cung cấp đủ hay chưa.
Tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất vô cùng phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những chất dinh dưỡng vi lượng, gây ra nhiều bệnh lý có nghiệm trọng như còi xương, thiếu máu,… đòi hỏi sự can thiệp ở mức độ cộng đồng. Đối với tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, trẻ em thường gặp thiếu dinh dưỡng sau
- Thiếu vitamin A
- Thiếu vitamin D
- Thiếu sắt
- Thiếu kẽm
- Thiếu iod
Các bệnh lý thường gặp khi thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở trẻ 1-6 tuổi
Thiếu vitamin A
Vitamin A rất quan trọng trên hầu hết các cấu trúc thị giác, hệ miễn dịch và sự phát triển thể chất của trẻ nhỏ.
Khi bị thiếu vitamin A nặng, trẻ có khả năng bị tổn thương thị giác, quáng gà, loét nhuyễn giác mạc, khô giác mạc dẫn đến mù loà. Ngoài ra, việc thiếu vitamin A còn làm cho trẻ dậm lớn, dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng, thiếu máu.
Còi xương do thiếu vitamin D
Trẻ em bú sữa mẹ hoàn toàn, trẻ suy dinh dưỡng bào thai, tập quán tránh nắng ở phụ nữ và trẻ nhỏ, béo phì, bệnh lý gan,… là những đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin D. Thiếu vitamin D ở trẻ em Việt Nam vẫn còn nằm ở mức có nguy cơ sức khoẻ cộng đồng.
Chế độ ăn không phải nguồn cung cấp chính vitamin D cho cơ thể mà phải nhờ đến tia UV trong ánh sáng mặt trời để tăng tổng hợp vitamin D hoặc phải bổ sung thêm từ bên ngoài. Bệnh lý liên quan đến thiếu vitamin D ở trẻ em là còi xương do thiếu vitamin D. Khi mắc bệnh lý còi xương do thiếu vitamin D, trẻ thường gặp các triệu chứng quấy khóc về đêm, thóp rộng chậm liền, lồng ngực dô, chậm biết đi, rụng tóc, biến dạng xương (vòng kiềng), giảm trương lực cơ...
Thiếu máu thiếu sắt
Thiếu sắt là nguyên nhân gây thiếu máu hàng đầu trên thế giới. Năm 2016, tỷ lệ thiếu máu của trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam là 33,9%.
Các biểu hiện của thiếu máu thiếu sắt là trẻ chậm vận động, nhận thức, kém tập trung, chán ăn, ngừng tăng cân, da xanh, lòng bàn tay nhợt nhạt,… Chế độ ăn thiếu sắt (ăn chay, ăn bột nhiều và sớm,…), trẻ sinh non, hội chứng kém hấp thu, nhiễm ký sinh trùng đường ruột,… có nguy cơ thiếu sắt cao.
Thiếu iod
Trẻ nhỏ trong độ tuổi tăng trưởng, thiếu iod rất dễ dẫn đến chậm phát triển thể chất, tâm thần, vận động, chiều cao, chậm phát triển trí tuệ, học kém,… Ở người trưởng thành, thiếu iod có thể dẫn đến bướu giáp; sẩy thai, thai lưu, trẻ đần độn, khuyết tật bẩm sinh ở bà mẹ mang thai không bổ sung đủ iod.
Thiếu kẽm
Nguyên nhân thiếu kẽm thường gặp là do không cung cấp đủ qua chế độ ăn và kém hấp thu tại màng ruột. Khi cơ thể thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều loại tế bào, suy giảm chức năng của nhiều hệ cơ quan.
Các dấu hiệu thiếu kẽm có thể gặp là giảm cảm giác ngon miệng, giảm tăng trưởng, giảm miễn dịch, giảm chức năng sinh lý, rụng tóc, viêm da, mắt khô, môi khô,… Tại Việt Nam, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%, đặc biệt ở miền núi và nông thôn.
Dự phòng thiếu hụt chất dinh dưỡng ở trẻ 1-6 tuổi bằng cách nào?
Vitamin A
- Bổ sung vitamin A định kỳ theo chương trình quốc gia phòng chống khô mắt do thiếu vitamin A: Trẻ từ 6-36 tháng uống vitamin A liều cao 100.000-200.000 đơn vị mỗi 6 tháng
- Bà mẹ cho con bú được bổ sung vitamin A liều cao 200.000 đơn vị một tháng sau sinh
- Trẻ dưới 5 tuổi sau một đợt nhiễm trùng cấp: uống một liều vitamin A dự phòng
- Dinh dưỡng hợp lý
- Nuôi con bằng sữa mẹ
- Ăn dặm đúng cách, thực phẩm đa dạng, cân đối, đủ dinh dưỡng
- Sổ giun định kỳ mỗi 6 tháng cho trẻ từ 12 tháng tuổi
- Chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ cho phụ nữ mang thai và cho con bú với chế độ ăn đầy đủ vitamin A hoặc tiền chất vitamin A
Vitamin D
- Trẻ nên được bổ sung vitamin D 400 UI/ngày từ lúc mới sinh nếu bú mẹ hoàn toàn. Sau 1 tuổi, nhu cầu vitamin D là 600 UI/ngày. Nếu trẻ bú sữa công thức thì phải xác định hàm lưọng vitamin D trong tổng lượng sữa trẻ uống hàng ngày.
- Tăng cường thực phẩm giàu vitamin D: sữa, trứng, thịt, cá biển béo,…
Sắt
- Tăng cường bổ sung sắt hem (khả năng hấp thu và chuyển hoá cao) từ thực phẩm động vật (thịt, cá)
- Đa dạng hoá bữa ăn hàng ngày
- Chọn thực phẩm nhiều sắt: thịt đỏ, rau xanh,..
- Viên sắt chứa 60 mg sắt nguyên tố được bổ sung cho phụ nữ mang thai hàng ngày trong suốt thai kỳ cho đến 1 tháng sau sinh
- Sử dụng thực phẩm bổ sung sắt cho thai phụ, trẻ em nhỏ như sữa dành riêng cho bà mẹ mang thai và cho con bú, bột ăn dặm bổ sung sắt…
Iod
- Sử dụng gia vị/muối ăn có chứa iod,
- Bổ sung thực phẩm giàu iod: tảo, rong biển, cá biển
Kẽm
- Tăng cường các thực phẩm giàu kẽm: hàu, sò, thịt gia súc, gia cầm, cá, tôm, cua, ốc, hến, lương, hàu, lòng đỏ trứng gà, …
- Trẻ dưới 5 tuổi mắc tiêu chảy nên được bổ sung hàm lượng kẽm với liều 10-20 mg/ngày trong vòng 10-14 ngày tuỳ theo độ tuổi để rút ngắn thời gian bị tiêu chảy, nhanh lành vết thương đường ruột và hỗ trợ hệ miễn dịch.
>>> Xem thêm: O'ricmeal - Soup Sữa Dinh Dưỡng Cho Trẻ Biếng Ăn, Suy Dinh Dưỡng
Tài liệu tham khảo
- Dinh dưỡng học, Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
- Dinh dưỡng trong điều trị nhi khoa, Trường đại học Y Hà Nội