
Chế độ ăn cho người suy thận cần hạn chế chất đạm, đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng từ đường bột, cung cấp đủ vitamin và đảm bảo cân bằng điện giải, nước, canxi và phosphat
Nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản cho người suy thận
Bệnh lý suy thận mạn tính làm chức năng lọc và bài tiết của thận suy giảm, ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể như tim mạch, huyết học, thần kinh, chuyển hoá, tiêu hoá,... Do đó, bệnh nhân suy thận mạn thường kèm theo nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Trong quá trình điều trị bệnh lý này, đảm bảo những nguyên tắc dinh dưỡng sau sẽ giúp giảm các triệu chứng, và làm chậm diễn tiến của bệnh:
- Hạn chế lượng chất đạm tương ứng với từng giai đoạn suy giảm chức năng thận
- Đảm bảo cung cấp đủ nguồn năng lượng cho người bệnh từ chất đường bột và chất béo
- Cung cấp đủ vitamin và khoáng chất
- Đảm bảo cân bằng điện giải, nước, ít toan, đủ canxi, ít phosphat
Người mắc bệnh thận nên kiêng gì?
Thực phẩm giàu natri (muối)
Thận bị suy yếu không thể loại bỏ natri ra khỏi cơ thể hiệu quả, dẫn đến tình trạng giữ nước, phù nề và huyết áp cao. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng chế độ ăn giảm muối giúp giảm huyết áp, giảm liều thuốc huyết áp, giảm phù và giảm lượng protein bị mất qua nước tiểu.
Tuy nhiên, chế độ ăn giảm muối quá nghiêm ngặt cũng có khả năng làm giảm huyết áp nghiêm trọng và chức năng thận xấu đi. Hàm lượng natri khuyến nghị 1200-2400 mg/ngày. Trong chế độ ăn hàng ngày, lượng muối ăn và các thực phẩm chế biến sẵn như thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp,... nên được hạn chế vì có chứa hàm lượng natri cao.
Thực phẩm chứa nhiều kali
Kali là một khoáng chất quan trọng cho cơ thể nhưng nếu tích tụ quá nhiều trong máu, có thể gây rối loạn nhịp tim và nguy hiểm đến tính mạng. Khi lượng nước tiểu ở bệnh nhân suy thận mạn dưới 1 lít/ngày cần áp dụng chế độ ăn hạn chế kali.
Các thực phẩm chứa nhiều kali là chuối, khoai tây, dưa hấu, và các loại rau lá xanh như rau bina, cải bó xôi,... Khi chế biến rau, nên cắt nhỏ, rửa với nước và chế biến kỹ để giúp giảm hàm lượng kali.
Thực phẩm chứa phốt pho
Thận không thể loại bỏ phốt pho hiệu quả khi chức năng suy giảm, dẫn đến việc dư thừa phốt pho trong cơ thể, gây tổn thương đến xương, khớp và gây ngứa da. Các thực phẩm giàu phốt pho là thịt đỏ, yến mạch, các sản phẩm từ sữa, đậu/hạt các loại, nước ngọt màu tối, nước trái cây, thức uống đóng chai, thực phẩm đóng hộp,...
Thực phẩm chế biến sẵn
Các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, đường, chất bảo quản và các phụ gia, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh thận. Những thực phẩm này không chỉ làm tăng nguy cơ tăng huyết áp mà còn góp phần làm suy giảm sức khoẻ tổng thể.
>>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho người suy thận chưa lọc máu
Người bị bệnh thận nên ăn gì?
Thực phẩm giàu chất béo lành mạnh
Chất béo không bão hòa từ thực vật, như dầu ô liu, dầu hạt cải, hoặc các loại hạt như hạt chia, hạt lanh, là nguồn cung cấp năng lượng tốt cho cơ thể mà không gây hại cho thận. Những loại chất béo này cũng có tác dụng làm giảm viêm và bảo vệ tim mạch, cải thiện mỡ máu.
Đúng lượng và đúng loại protein
Protein là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống, nhưng người bệnh thận cần hạn chế lượng protein để giảm bớt gánh nặng cho thận phải làm việc để loại bỏ các chất chuyển hoá của protein. Các nguồn protein động vật như thịt đỏ, thịt gia cầm và cá cần được tiêu thụ một cách có kiểm soát và phù hợp cho từng giai đoạn của bệnh thận.
Các thực phẩm ít muối và natri
Thực phẩm ít muối và natri giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn. Thực phẩm tươi sống, không qua chế biến; được ghi nhãn ít natri (<20% giá trị hàng ngày),... phù hợp với chế độ ăn của người suy thận mạn.
Thực đơn tham khảo cho người suy thận
Thực đơn tham khảo 1700 kcal cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn 3-4, chưa lọc máu
Món ăn | Thực phẩm | Ước lượng | |
---|---|---|---|
Sáng | Miến ngan trộn | Miến dong 50g | 1 chén |
Thịt ngan 20g | 6 lát nhỏ | ||
Lạc 10g | 1 muỗng canh | ||
Phụ sáng | Sữa cho người suy thận 200 ml | ||
Trưa | Cơm 150g | 1,5 chén | |
Cá lóc kho | Cá lóc 40g | 1 khứa nhỏ | |
Cải xào thịt băm | Cải thìa 150g | 5 cây nhỏ | |
Thịt băm 20g | 2 muỗng canh | ||
Trái cây | Xoài 80g | 1 má trái xoài trung bình | |
Phụ trưa | Chè đậu đen | Đậu đen 10g | 1 muỗng canh |
Bột sắn 10g | 1 muỗng canh | ||
Đường kính 20g | 4 muỗng cà phê | ||
Tối | Miến xào | Miến dong 75g | 1,5 chén |
Thịt bò 30g | 5-6 lát nhỏ | ||
Hành tây 80g | ½ chén | ||
Cà rốt 70g | ½ chén | ||
Trái cây | Táo 80g | ½ trái trung bình |
Các lưu ý quan trọng khi chăm sóc người suy thận
- Tuân thủ chế độ ăn uống: Việc tuân thủ các hướng dẫn về chế độ ăn uống là rất quan trọng để giảm thiểu sự suy giảm chức năng thận và ngăn ngừa các biến chứng. Người bệnh thận cần phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.
- Theo dõi lượng nước uống: Người bệnh thận cần chú ý đến lượng nước uống trong ngày. Nếu thận không thể lọc bỏ nước hiệu quả, việc uống quá nhiều nước có thể dẫn đến phù nề và tăng huyết áp.
- Kiểm tra thường xuyên các chỉ số sức khỏe: Việc kiểm tra định kỳ chức năng thận, các chỉ số kali, natri, phốt pho trong máu là cần thiết để điều chỉnh chế độ ăn uống và điều trị kịp thời.
>>> Xem thêm: Leisure Kidney 1 - Soup Uống Dinh Dưỡng Công Thức Tối Ưu Cho Thận Cần Giảm Protein
Câu hỏi thường gặp
1. Người suy thận có được ăn cá không?
Cá là nguồn protein chất lượng và giàu omega-3, giúp giảm viêm và bảo vệ tim mạch. Tuy nhiên, lượng cá nên được tiết chế sao cho phù hợp với nhu cầu chất đạm ở từng giai đoạn của suy thận mạn và tránh những loại cá biển sâu vì có chứa nhiều thuỷ ngân và phốt pho.
2. Tại sao cần hạn chế kali trong chế độ ăn?
Kali là khoáng chất quan trọng cho nhiều cơ quan trong cơ thể, nhưng nếu thận suy yếu không thể loại bỏ kali ra khỏi cơ thể hiệu quả. Dư thừa kali gây ra những vấn đề nguy hiểm, làm rối loạn nhịp tim và có thể tử vong.
3. Làm thế nào để thay thế muối mà vẫn đảm bảo vị ngon?
Sử dụng các loại gia vị tự nhiên như tỏi, hành, gừng, chanh, húng quế và các loại gia vị không chứa muối để tăng hương vị món ăn mà không làm tăng lượng muối trong khẩu phần.
4. Bệnh nhân suy thận có cần bổ sung vitamin không?
Việc bổ sung vitamin cần được thực hiện dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ và tuỳ vào từng trường hợp khác nhau. Vitamin D, vitamin B12, và vitamin C, B... là những vitamin quan trọng cần thiết cho người bệnh suy thận mạn.
5. Những loại rau quả nào phù hợp cho người suy thận?
Các loại rau quả ít kali như táo, lê, quả mọng, dưa chuột, súp lơ, bí ngô,... có thể được sử dụng được cho người suy thận mạn.
6. Người suy thận có thể ăn trứng hàng ngày không?
Trứng là nguồn protein chất lượng cao và có thể ăn hàng ngày nhưng cần kiểm soát số lượng để không làm quá tải lượng đạm trong khẩu phần so với chức năng của thận hiện tại.
7. Có cần uống thuốc bổ sung cùng chế độ ăn không?
Việc bổ sung thuốc hay vitamin cần phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, chế độ ăn uống hiện tại và các chỉ số xét nghiệm của người bệnh. Một số trường hợp suy thận mạn tiết chế lượng đạm tối đa có thể được kê thuốc cung cấp các axit amin thiết yếu mà không gây quá tải cho thận.
Tài liệu tham khảo
- Dinh dưỡng lâm sàng, Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
- Dinh dưỡng lâm sàng, Bộ Y tế
- Eating Right for Chronic Kidney Disease, https://www.niddk.nih.gov/health-information/kidney-disease/chronic-kidney-disease-ckd/eating-nutrition