Suy dinh dưỡng là gì?
Suy dinh dưỡng đề cập đến tình trạng cung cấp không đủ hoặc không cân đối các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn của cơ thể. Tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng bao gồm cả thiếu năng lượng, protein, lipid, vitamin, khoáng chất. Suy dinh dưỡng rất phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi.
Hậu quả của suy dinh dưỡng trẻ em
Nguy cơ tử vong ở trẻ suy dinh dưỡng nặng cao gấp nhiều lần so với trẻ khoẻ mạnh bình thường. Đặc biệt, suy dinh dưỡng cấp tính nặng được xem là nguyên nhân trực tiếp khiến trẻ tử vong khi mắc tiêu chảy và viêm phổi.
- Giảm miễn dịch: thường hay mắc bệnh lý nhiễm trùng hô hấp và tiêu hoá
- Giảm trí tuệ, khả năng hành vi, học hành, lao động
Dấu hiệu nhận biết suy dinh dưỡng trẻ em
Trẻ suy dinh dưỡng ở giai đoạn đầu thường rất khó nhận biết và dễ bỏ sót, thường biểu hiện bằng
- Ngừng tăng cân, chậm tăng cân hoặc sụt cân
- Các chỉ số cân nặng/tuổi, chiều cao/tuổi, cân nặng/chiều cao thấp dưới mức -2SD.
- Lớp mỡ dưới da mỏng dần
- Không có cảm giác thèm ăn
- Chậm biết đi
- Ít hoạt bát, kém vui chơi
- Phù dinh dưỡng: phù từ hai chi dưới lan ra toàn thân, hai bên cơ thể, ấn lõm
- Rối loạn sắc tố da: nốt đỏ ở bẹn, mông, xung quanh hậu môn
- Rối loạn tiêu hoá từng đợt
- Các dấu hiệu của thiếu vitamin và khoáng chất dinh dưỡng: loãng xương, còi xương, thiếu máu, quáng gà, khô loét giác mạc, đần độn,…
- SDD keó dài: suy tim, gan to, niêm mạc ruột và tuỵ teo dần, giảm trí thông minh,…
Nguyên nhân suy dinh dưỡng trẻ 1-6 tuổi
Có nhiều nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ thường gặp là
Thiếu kiến thức nuôi dưỡng
- Mẹ thiếu sữa, cai sữa sớm
- Nuôi con bằng nước cháo loãng, sữa đặc có đường,…
- Ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn
- Kiêng khem quá mức khi trẻ bị tiêu chảy, ho, viêm phổi
Do bệnh tật
- Các bệnh lý nhiễm trùng: tiêu hoá, hô hấp,…
- Rối loạn chuyển hoá: cường giáp, bỏng, phẫu thuật, chấn thương, đang sử dụng corticoid,…
- Kém hấp thu (bất dung nạp lactose, hội chứng ruột ngắn)
- Mất chất dinh dưỡng: hội chứng thận hư, lọc thận, tiêu chảy kéo dài, tràn dịch,…
Các yếu tố thuận lợi
- Sinh non
- Dị tật bẩm sinh: sứt môi, chẻ vòm hầu, tim bẩm sinh, não úng thuỷ, down,…
- Suy dinh dưỡng bào thai
- Ô nhiễm môi trường, thiên tai
- Nghèo đói
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng nhẹ-vừa
Các trẻ khi bị suy dinh dưỡng cần phải được điều chỉnh chế độ ăn dựa trên nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ. Bên cạnh đó, cần phải điều trị sớm các bệnh lý nhiễm khuẩn hiện đang mắc (nếu có) và phải bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng để trẻ phát triển toàn diện.
Trẻ 6 tháng – 1 tuổi
- Tiếp tục bú mẹ hoặc ăn sữa công thức
- Trẻ bất dung nạp lactose có thể sử dụng sữa không lactose, trẻ dị ứng đạm sữa nên sử dụng các dòng sữa thuỷ phân.
- Bổ sung vitamin D 400 đơn vị/ngày đối với bé bú sữa mẹ hoàn toàn. Trẻ uống sữa công thức thì phải đảm bảo đủ 400 đơn vị vitamin D, nếu không đủ phải uống thêm để đạt con số này.
- Thức ăn bổ sung trong giai đoạn ăn dặm cần đa dạng và có đủ 4 nhóm thực phẩm protid (đạm động vật và đậu đỗ), lipid (dầu, mỡ...) glucid (tinh bột, ngũ cốc...) vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả)
Trẻ từ 1-5 tuổi
- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc sữa công thức đến 2 tuổi cùng với ăn dặm bổ sung chuyển dần từ bột sang cháo, cơm.
- Có thể bổ sung thêm sữa cao năng lượng (>100kcal/100ml) vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Ăn nhiều bữa trong ngày
- Ăn đa dạng thực phẩm, thay đổi cách chế biến món ăn
- Trẻ được xác định có thiếu vitamin và khoáng chất, cần phải bổ sung thêm theo hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng.
Phòng chống suy dinh dưỡng protein – năng lượng
- Chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và cho con bú: phòng tránh suy dinh dưỡng bào thai, thiếu máu thiếu sắt và suy dinh dưỡng ở phụ nữ có thai và cho con bú.
- Nuôi con bằng sữa mẹ
- Ăn dặm hợp lý theo độ tuổi
- Thức ăn bổ sung phải có đậm độ năng lượng hợp lý, độ đậm đặc thích hợp, đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu.
- Bổ sung đầy đủ vitamin A liều cao định kỳ cho trẻ
- Nuôi dưỡng tốt khi trẻ mắc bệnh, tránh kiêng khem quá mức
- Vệ sinh môi trường sống, sổ giun định kỳ
- Điều trị các bệnh lý kịp thời
>>> Xem thêm: O'ricmeal - Soup Sữa Dinh Dưỡng Cho Trẻ Biếng Ăn, Suy Dinh Dưỡng
Tài liệu tham khảo
- Dinh dưỡng trong điều trị nhi khoa, Trường đại học Y Hà Nội, 2020.
- Dinh dưỡng học, Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
- Dinh dưỡng lâm sàng, Bộ Y tế