Dấu hiệu nhạy cảm Gluten

Dấu hiệu nhạy cảm Gluten

Nhạy cảm gluten là gì?

Nhạy cảm gluten hay không dung nạp gluten là một hội chứng khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng khi sử dụng gluten - một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch và một số loại ngũ cốc khác. Những người bị nhạy cảm gluten có thể gặp phải các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, phát ban, ngứa ngáy, khó thở,... Nhạy cảm gluten khác biệt so với bệnh Celiac. Celiac là một bệnh lý tự miễn do gluten gây viêm, tổn thương niêm mạc ruột non, dẫn đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng kém.

Dấu hiệu nhạy cảm gluten

Một số triệu chứng phổ biến của nhạy cảm gluten không phải do bệnh Celiac là:

  • Đầy hơi sau khi ăn thực phẩm chứa gluten
  • Thay đổi thói quen đi vệ sinh: tiêu chảy và táo bón
  • Đau bụng
  • Đau đầu và đau nửa đầu
  • Mệt mỏi, khó tập trung, hay quên
  • Trầm cảm và lo âu

Dấu hiệu của bệnh celiac, nhạy cảm gluten và dị ứng các loại lúa mì thường giống nhau khiến cho việc xác định chính xác bệnh lý trở nên khó khăn.

Dinh dưỡng cho người nhạy cảm gluten

Dinh dưỡng đúng cách đóng vai trò rất quan trọng cho những người bị nhạy cảm gluten. Việc tránh gluten không chỉ giúp giảm triệu chứng mà còn hỗ trợ duy trì sức khỏe tổng thể. Chế độ ăn uống nên tránh các loại thực phẩm chứa gluten và thay thế các nguồn thực phẩm chứa gluten bằng những lựa chọn ngũ cốc an toàn là điều cần thiết.

Gluten có trong nhiều loại thực phẩm như:

  • Các loại ngũ cốc như: lúa mì, lúa mạch đen; các sản phẩm chế biến từ lúa mì,… hoặc yến mạch bị nhiễm gluten trong quá trình chế biến.
  • Bánh mì, bánh quy, bánh nướng, bánh ngọt, thức ăn nhẹ,…
  • Gia vị: nước tương, sốt trộn salad, sốt kem, giấm mạch nha
  • Thức uống: bia, rượu vang, cà phê pha sẵn,…
  • Thực phẩm chế biến: thịt hộp, phô mai, súp đóng hộp, kem, ngũ cốc ăn sáng, khoai tây chiên,…

Các nghiên cứu cho rằng việc tuân thủ chế độ ăn không chứa gluten có thể giúp làm giảm các triệu chứng tiêu hoá cho người nhạy cảm gluten và mắc bệnh celiac. Tuy nhiên, chế độ ăn này có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng do thực phẩm không chứa gluten thường ít protein, xơ nhưng lại nhiều chất béo, natri và carbohydrat hơn so với thực phẩm chứa gluten.

Thực phẩm nên ăn khi nhạy cảm gluten:

  • Ngũ cốc không chứa gluten
    • Gạo trắng, gạo lứt
    • Yến mạch
    • Hạt kê
    • Bắp ngô
    • Quinoa
    • Các loại hạt như hạt chia, hạt lanh, hạnh nhân, hạt điều, óc chó, hướng dương,…
    • Đậu lăng, đậu đỏ, đậu ga, đậu thận, đậu hà lan,…
  • Rau củ và trái cây: các loại rau củ và trái cây tươi tự nhiên không chứa gluten và rất giàu vitamin, khoáng chất, và chất xơ. Có thể bổ sung: táo, bơ, quả mọng, chuối, trái cây họ cam quýt, rau bina, súp lơ,… bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày.
  • Protein từ thịt, cá, hải sản, trứng, sữa, các loại đậu là nguồn cung cấp chất đạm, không có thành phần gluten.
  • Chất béo lành mạnh: các loại dầu thực vật, bơ, và các loại hạt giúp cung cấp chất béo cần thiết cho cơ thể.

Cách lựa chọn thực phẩm cho người nhạy cảm gluten

  1. Đọc nhãn sản phẩm: kiểm tra kỹ thông tin thành phần sản phẩm có chứa gluten hay không.
  2. Chọn thực phẩm tươi sống: thực phẩm tươi sống như rau củ, trái cây, thịt, và cá thường không chứa gluten và an toàn hơn.
  3. Tránh thực phẩm chế biến sẵn: nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể chứa gluten hoặc được sản xuất trong môi trường có gluten.

Cần lưu ý rằng những người không có vấn đề nhạy cảm gluten hoặc bệnh lý celiac thì vẫn có thể sử dụng các thực phẩm có chứa gluten như bình thường bởi vì sử dụng những thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt giúp phòng tránh bệnh lý tim mạch và gluten cũng có thể hoạt động như một prebiotic để nuôi dưỡng lợi khuẩn trong đường ruột khoẻ mạnh hơn.

Dinh dưỡng cho người bị dị ứng gluten rất quan trọng không chỉ để giảm triệu chứng mà còn giúp cải thiện vấn đề dinh dưỡng. Tìm hiểu những thực phẩm chứa gluten và cách lựa chọn thực phẩm an toàn, người nhạy cảm gluten có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh và đầy đủ dinh dưỡng.

Việc lên kế hoạch bữa ăn, lựa chọn thực phẩm lành mạnh, và tham khảo ý kiến chuyên gia là những bước cần thiết để xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh cho người nhạy cảm gluten.

Tài liệu tham khảo

  1. Celiac Disease, Non-Celiac Gluten Sensitivity and Food Allergy: How are they different?, https://www.aaaai.org/tools-for-the-public/conditions-library/allergies/celiac-disease
  2. The Most Common Signs of Gluten Intolerance, https://www.healthline.com/nutrition/signs-you-are-gluten-intolerant
  3. 8 Foods to Avoid with a Gluten Intolerance (and 7 to Eat), https://www.healthline.com/nutrition/gluten-food-list
  4. The Gluten-Free Diet: A Beginner’s Guide with Meal Plan, https://www.healthline.com/nutrition/gluten-free-diet
  5. Gluten: A Benefit or Harm to the Body?, https://nutritionsource.hsph.harvard.edu/gluten/)

Đang xem: Dấu hiệu nhạy cảm Gluten

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng