Dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan

Dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan

Xơ gan là một trong những bệnh lý gan phổ biến, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và duy trì sức khỏe cho bệnh nhân xơ gan.

Xơ gan là bệnh lý gì?

Xơ gan là tình trạng thay thế các mô gan bình thường bằng sợi collagen, gây ra suy giảm dần chức năng gan. Bệnh này có nhiều nguyên nhân như nhiễm virus viêm gan, suy tim, bệnh tự miễn, rượu, béo phì, tiếp xúc với chất độc hại,.... Việc quản lý xơ gan đòi hỏi sự kết hợp giữa điều trị y tế và chế độ sống lành mạnh, trong đó chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng.

Biến chứng thường gặp của xơ gan

  • Suy dinh dưỡng: thường gặp ở hầu hết bệnh nhân xơ gan. Suy dinh dưỡng ở bệnh nhân xơ gan do nhiều nguyên nhân kết hợp như tình trạng ăn kém, nhanh no, hấp thu kém thường xảy ra, đặc biệt ở bệnh nhân xơ gan do rượu. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng: khoáng chất (kẽm, magie, selen,…), vitamin (A, D, E, K, B1, B2, B3, B9, B12…) rất thường gặp ở bệnh nhân xơ gan.
  • Teo cơ, thiếu cơ: bệnh nhân xơ gan thường xảy ra tình trạng dị hoá cơ vào ban đêm do lượng dự trữ glycogen bị hạn chế.
  • Loãng xương
  • Bệnh não gan, ung thư gan, hội chứng gan thận,…

Vai trò của dinh dưỡng ở bệnh nhân xơ gan

Dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình điều trị bệnh xơ gan. Chế độ dinh dưỡng thích hợp có thể giúp cho người bệnh:

  • Hỗ trợ chức năng gan, ức chế quá trình xơ hóa gan và bảo vệ tế bào gan khỏi tổn thương do các gốc tự do gây viêm bằng việc loại bỏ hoàn toàn tác nhân rượu bia và tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu đạm BCAA, vitamin và chất chống oxy hóa cho gan.
  • Cải thiện các triệu chứng của bệnh nhân, như suy nhược cơ thể và sụt cân do hấp thu dinh dưỡng kém. Việc tăng cường ăn các thực phẩm giàu năng lượng, đạm, vitamin và khoáng chất có thể giúp cải thiện tình trạng này.
  • Phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm như tăng huyết áp, phù nề, cổ trướng, suy gan, ung thư gan,… thường xảy ra ở những người mắc bệnh gan xơ.
  • Cải thiện chất lượng sống

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan nên đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau đây:

Cung cấp đủ năng lượng

Bệnh nhân xơ gan cần bổ sung thêm 35 kcal năng lượng/kg/ngày (với số kg cân nặng dựa trên tình trạng báng bụng). Trường hợp bệnh nhân béo phì, nên có chế độ ăn thấp hơn 500-800 kcal so với thông thường nhưng phải đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu protein.

Đảm bảo nhu cầu protein

Từ 1,2-1,5 g/kg/ngày để ngăn ngừa hoặc cải thiện tình trạng teo cơ. Trường hợp bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng hơn thì hàm lượng đạm khuyến nghị từ 1-1,8g/kg/ngày. Trong đó, đạm BCAA (gồm các axit amin leucine, isoleucine, valin) được khuyến nghị 4g mỗi ngày để giúp tăng tổng hợp albumin, protein cơ xương và giảm nguy cơ mất bù ở gan.

Ở bệnh nhân xơ gan nặng, nên cung cấp BCAA kéo dài bằng đường miệng với hàm lượng 0,25g/kg/ngày. Ngoài BCAA thì các khuyến cáo cũng cho thấy việc bổ sung đầy đủ protein toàn phần từ đa dạng nguồn động vật và thực vật cũng quan trọng không kém cho người bệnh.

Carbohydrat

Carbohydrat chiếm 50-60% nhu cầu năng lượng hàng ngày. Ngũ cốc nguyên hạt, quinoa, yến mạch, gạo lứt, kiều mạch,…là nguồn carbohydrat giàu xơ tốt cho người bệnh xơ gan.

Chất béo và cholesterol

Chất béo và cholesterol cao có thể gây nhiều áp lực cho gan, đặc biệt khi gan bị tổn thương. Do đó, bệnh nhân cần hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu chất béo như mỡ/nội tạng động vật, đồ chiên xào, thức ăn nhanh, kem và sản phẩm từ sữa béo,.... Nên sử dụng các loại chất béo có lợi cho sức khoẻ từ quả bơ, dầu oliu, dầu thực vật, dầu cá, các loại hạt dinh dưỡng,…

Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Các loại rau quả chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin có thể giúp bảo vệ tế bào gan khỏi tổn thương oxy hóa. Bệnh nhân xơ gan có thể tham khảo các loại thực phẩm sau đây:

  • Trái cây: táo, quả mọng (cam, quýt,…), lê, đào, mận, dâu tây, bơ
  • Rau: bông cải xanh, măng tây, súp lơ, cà chua,
  • Hạt: óc chó, chia, mắc ca, lanh, bí ngô,…

Các vi chất dinh dưỡng nên được bổ sung khi xác định có thiếu và được chỉ định bổ sung bởi bác sĩ.

Các lưu ý về bữa ăn cho bệnh nhân xơ gan

Nấu chín kỹ

Thức ăn cần được nấu chín kỹ vì bệnh nhân xơ gan thường miễn dịch kém hơn và dễ bị nhiễm trùng hơn.

Chia nhỏ bữa ăn

Nên chia bữa ăn thành 5-7 bữa ăn nhỏ mỗi ngày để tránh quá tải protein và buồn nôn.

Ngoài ra, một bữa ăn nhẹ trước khi ngủ có tác động tích cực đến sự cân bằng nitơ, cải thiện teo cơ, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bữa ăn nhẹ tối muộn chứa ít nhất 50g carbohydrat kết hợp cùng hàm lượng BCAA là tốt nhất cho người bệnh xơ gan. Nếu được dùng vào ban đêm, BCAA được ưu tiên để tổng hợp protein trong khi ban ngày thì được sử dụng để tạo năng lượng.

Dinh dưỡng cô đặc

Bệnh nhân cổ trướng, nên sử dụng các công thức dinh dưỡng cô đặc giàu năng lượng và hàm lượng natri hạn chế ở mức 2g/ngày (tương đương một muỗng cà phê).

Bệnh nhân xơ gan có các bệnh lý khác kèm (đái tháo đường, thừa cân béo phì,…) theo nên được điều chỉnh chế độ ăn phù hợp với tình trạng bệnh lý.

Nước

Ở bệnh nhân xơ gan còn bù, lượng nước khuyến nghị nên uống từ 1,5-2 lít mỗi ngày và được điều chỉnh theo diễn tiến bệnh.

Ngoài chế độ dinh dưỡng thì tăng cường hoạt động thể chất là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa và đẩy lùi thiểu cơ. Các nghiên cứu cho thấy rằng việc đi bộ 6 phút mỗi ngày giúp cải thiện cơ xương và đi bộ hơn 5000 bước mỗi ngày giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khoẻ ở bệnh nhân xơ gan.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý và điều trị xơ gan. Việc áp dụng một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng sẽ giúp giảm thiểu các biến chứng, hỗ trợ chức năng gan và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Việc áp dụng chế độ ăn cho bệnh nhân xơ gan nên được hướng dẫn và giám sát của các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ điều trị để đảm bảo hiệu quả cao nhất và an toàn cho sức khỏe bệnh nhân.

>>> Xem thêm: Leisure Liver - Soup Uống Dinh Dưỡng Công Thức Tối Ưu Cho Người Bệnh Xơ Gan

Tài liệu tham khảo

  1. Nutrition in Patients With Cirrhosis, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5114497/
  2. Nutrition in Patients With Cirrhosis, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6589840/
  3. Role of Branched-Chain Amino Acids and Their Derivative β-Hydroxy-β-Methylbutyrate in Liver Cirrhosis, https://www.mdpi.com/2077-0383/11/24/7337
  4. Nutrition in Chronic Liver Disease, https://www.elsevier.es/en-revista-ge-portuguese-journal-gastroenterology-347-articulo-nutrition-in-chronic-liver-disease-S2341454515001015
  5. How to Follow a Liver Cirrhosis Diet: All You Need to Know, https://www.healthline.com/nutrition/liver-cirrhosis-diet

Đang xem: Dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng