Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể, đóng vai trò chủ chốt trong quá trình chuyển hóa, thải độc và duy trì cân bằng nội môi. Men gan cao, thường là dấu hiệu của sự tổn thương tế bào gan hoặc viêm nhiễm gan, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như uống rượu bia, viêm gan do virus, hoặc chế độ ăn uống không lành mạnh,... Vì vậy, dinh dưỡng đóng một vai trò đặc biệt trong việc hỗ trợ chức năng gan và cải thiện tình trạng sức khỏe của những người có men gan cao.
Vai trò dinh dưỡng trong chức năng gan
Gan thực hiện nhiều chức năng khác nhau, trong đó có việc chuyển hóa chất dinh dưỡng từ thực phẩm, sản xuất mật để nhũ hóa chất béo và thải độc các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp cung cấp các vitamin và khoáng chất, chất chống oxy hóa cần thiết cho vai trò đào thải các chất độc hại; giảm gánh nặng cho gan trong quá trình chuyển hoá các chất dinh dưỡng; hạn chế được các tác nhân làm tổn hại đến tế bào gan (như rượu bia,…) để gan tự phục hồi hiệu quả.
Những nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản cho người men gan cao
- Cân bằng dinh dưỡng: Một chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ các nhóm thực phẩm (carbohydrate, protein, lipid, vitamin và khoáng chất).
- Giảm thiểu những loại thực phẩm kích thích viêm và tổn thương tế bào gan: các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol; thực phẩm chứa nhiều đường, muối, rượu bia, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
- Tăng cường thực phẩm tự nhiên, giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất: Chất xơ giúp cải thiện tiêu hóa và hỗ trợ quá trình thải độc của gan. Nên ăn đa dạng rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
Chế độ ăn và cách lựa chọn thực phẩm khi men gan cao
Tỷ lệ năng lượng giữa các nhóm chất trong khẩu phần ăn có thể được phân bổ theo tỷ lệ 50% carbohydrate, 20% protein, và 30% lipid.
Carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể.
Tình trạng men gan cao nên ưu tiên các loại carbohydrate có chỉ số đường huyết thấp để kiểm soát mức đường huyết và giảm tích tụ mỡ dư thừa. Các nguồn carbohydrate nên sử dụng: gạo lứt, yến mạch, quinoa, lúa mạch, đậu đen, đậu lăng, hạt lanh,…
Chất đạm rất cần thiết cho sự phục hồi tế bào và duy trì cơ bắp.
Bệnh nhân gan nhiễm mỡ nên lựa chọn các nguồn đạm như thịt gà, cá hồi, cá thu, sữa ít béo, sữa không đường, đậu hũ, các loại đậu, hạt (hạt hạnh nhân, hạt hướng dương),…
Chất béo
Nên ưu tiên các loại chất béo tốt từ nguồn gốc thực vật, các loại hạt dinh dưỡng giàu béo (hạt mắc ca, óc chó, hạnh nhân,…) và cá béo. Chất béo không bão hoà từ các loại thực phẩm này giúp gan phục hồi nhanh sau tổn thương, chống lại quá trình viêm cũng như giúp cải thiện mỡ máu.
Rau xanh và trái cây
Những thực phẩm này không chỉ cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa. Nên ưu tiên các loại rau xanh như rau lá xanh, bông cải xanh, cà rốt, và trái cây như táo, cam, chuối,…
Gia vị tự nhiên như nghệ, tỏi, hành,… có tác dụng chống viêm và giúp giảm men gan. Nên thêm những gia vị này vào các món ăn hàng ngày.
Thực phẩm cần tránh cho người men gan cao
- Chất béo bão hòa (trong mỡ, nội tạng, da động vật, dầu dừa), transfat (thức ăn nhanh, bánh ngọt,…).. không nên vượt quá 10% tổng năng lượng
- Đường và tinh bột tinh chế: Hạn chế bánh kẹo, nước ngọt, trái cây sấy,… và các thực phẩm chứa tinh bột tinh chế như bột trắng, bánh mì trắng,..
- Thực phẩm có chứa alcohol: rượu, bia hay thức uống chứa cồn là một trong những nguyên nhân phổ biến làm cho men gan tăng cao, tổn hại và chết tế bào gan.
- Các món ăn tái, chưa được nấu chín: thường chứa nhiều tác nhân có thể gây trầm trọng thêm tình trạng tổn thương tế bào gan như các loại vi khuẩn, virus, giun sán,…
- Thực phẩm chứa chất bảo quản, đóng hộp làm cho gan phải hoạt động liên tục để chuyển hoá và thải bỏ các chất này ra khỏi cơ thể.
- Thực phẩm quá mặn, chứa nhiều muối (muối chua, mắm, thực phẩm chế biến sẵn, mì ăn liền, bim bim,…) tạo áp lực lên chức năng gan.
Các lưu ý ở người men gan cao
- Men gan cao là tình trạng do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Người bệnh nên khám chuyên khoa để điều trị đúng nguyên nhân gây tăng men gan kết hợp với một chế độ ăn phù hợp để quá trình điều trị hiệu quả hơn.
- Vận động cơ thể, hạn chế lối sống tĩnh tại để giúp cải thiện sức khoẻ của gan và tăng cường thể lực.
- Theo dõi sức khoẻ thường xuyên, quản lý tốt đường huyết và cân nặng là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ chức năng gan.
- Tránh lạm dụng thuốc và thực phẩm chức năng hạ men gan mà chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh quá tải cho gan khi chuyển hoá các loại thuốc này.
- Tránh stress và căng thẳng quá mức.
Dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ chức năng gan và cải thiện tình trạng men gan cao. Tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản, lựa chọn thực phẩm hợp lý và duy trì một lối sống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ gan và hỗ trợ cho quá trình cải thiện men gan.
>>> Xem thêm: Leisure Liver - Soup Uống Dinh Dưỡng Công Thức Tối Ưu Cho Gan
Tài liệu tham khảo
- Dinh dưỡng học, Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
- 10 Foods to Include in a Healthy Liver Diet, https://www.healthline.com/health/fatty-liver-diet
- Natural products and dietary interventions on liver enzymes: an umbrella review and evidence map, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10869519/#:~:text=The%20dietary%20patterns%2C%20including%20high,levels%20or%20have%20minimal%20effects.