Trong thời kỳ mang thai, sức khoẻ và thói quen ăn uống của mẹ có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong tương lai. Nếu mẹ không cung cấp dinh dưỡng đầy đủ hoặc dinh dưỡng quá dư thừa có khả năng làm cho thai nhi suy dinh dưỡng hoặc thừa cân nặng. Gần đây, rất nhiều vấn đề dinh dưỡng xảy ra ở phụ nữ có thai như thừa cân béo phì, đái tháo đường, thiếu máu thiếu sắt, suy dinh dưỡng,… đều ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, dinh dưỡng cho phụ nữ có thai được quan tâm hơn hết để đảm bảo sức khoẻ của thế hệ trẻ em tương lai.
Vai trò của chế độ dinh dưỡng khi có thai
Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai là một phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời. Đây cũng là giai đoạn cửa sổ cơ hội quan trọng đối với trẻ, giúp trẻ có một khởi đầu vững chắc, khoẻ mạnh dài lâu.
Khi có chế độ dinh dưỡng đúng đắn trong thai kỳ, sẽ giúp cho bé
- Dễ nuôi, ít ốm vặt, hệ miễn dịch hoàn thiện
- Các cơ quan phát triển toàn diện và cân đối
- IQ và EQ tốt
- Thể chất và thể lực tốt
- Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính không lây
Mức tăng cân trong thai kỳ
Tăng cân khi mang thai cho thấy sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, người mẹ cần tăng cân một cách hợp lý, tránh việc tăng cân quá mức đều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của mẹ và bé.
Tuỳ vào tình trạng dinh dưỡng trước khi có thai, có các mức tăng cân khuyến nghị trong giai đoạn mang thai như sau
- Tình trạng dinh dưỡng tốt (BMI 18-24,9): tăng cân thêm 20% so với trước khi có thai.
- Tình trạng dinh dưỡng gầy (BMI<18,8): tăng cân thêm 25% so với trước khi có thai
- Tình trạng dinh dưỡng thừa cân – béo phì (BMI ³ 25): tăng cân 15% trước khi có thai.
Theo tiêu chuẩn Quốc tế (FAO), phụ nữ Châu Á nên tăng trung bình 10-12kg trong suốt thai kỳ. Trung bình 3 tháng đầu tăng 1 kg, 3 tháng giữa tăng 4-5 kg và 3 tháng cuối tăng 5-6 kg.
Dinh dưỡng khi có thai
Năng lượng tăng thêm
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15-49 tuổi), với mức lao động thể lực nhẹ nhu cầu năng lượng mỗi ngày là 1750 kcal. Tuỳ vào giai đoạn mang thai sẽ có nhu cầu năng lượng tăng thêm như sau:
- 3 tháng đầu: + 50 kcal so với trước khi có thai.
- 3 tháng giữa: + 250 kcal so với trước khi có thai
- 3 tháng cuối: + 450 kcal so với trước khi có thai
Bổ sung chất đạm
Chất đạm đặc biệt quan trọng trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên của thai kỳ để giúp hình thành các cơ quan nội tạng. Thịt, cá, tôm, cua, sữa, trứng, đậu hũ, đậu xanh, đậu tương, vừng, lạc,… là nguồn cung cấp chất đạm chủ yếu.
Chất bột đường
Chất bột đường là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho não. Com, bánh mì và mì,… là nguồn thức ăn quan trọng vì chứa vitamin, khoáng và chất xơ nhiều hơn so với những loại tinh bột tinh chế.
Vitamin và khoáng chất
- Canxi: cấu tạo khung xương, chiều cao cho thai nhi. Sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn thực phẩm bổ sung canxi cho phụ nữ có thai.
- Sắt: tham gia quá trình tạo máu, giảm tai biến sản khoa, giúp thai nhi phát triển thể lực và trí lực. Sắt trong thức ăn thường không đáp ứng đủ nhu cầu cho phụ nữ có thai. Vì vậy, cần phải bổ sung thêm viên sắt trong suốt thời gian mang thai.
- Kẽm: tham gia hình thành chiều cao, hệ miễn dịch, nhau và bánh nhau. thực phẩm giàu kẽm chủ yếu là thịt cá, thuỷ hải sản, ốc, hàu, nghêu, sò.
- Iod: thiếu iod có nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, sinh non, chậm phát triển trí tuệ, liệt, nói ngọng, điếc,… Thực phẩm giàu iod là cá, rong biển,…
- Acid folic: hình thành ống thần kinh, tạo máu. Đây là một vitamin quan trọng, nếu thiếu hụt, thai nhi sẽ bị dị dạng ống thần kinh đặc biệt ở giai đoạn đầu thai kỳ. Acid folic thường có trong rau xanh, trái cây nhưng thường không đáp ứng đủ nhu cầu khi có thai. Cần phải bổ sung thêm acid folic từ trước khi mang thai 3 tháng và trong suốt thai kỳ.
- Vitamin A: giúp dài xương, hỗ trợ miễn dịch, sáng mắt, tăng đề kháng. Vitamin có trong đa dạng thực phẩm từ động vật (sữa, gan, trứng,…) đến thực vật (rau ngót, rau dền, rau muống, cà rốt, đu đủ, bí đỏ,…)
- Vitamin D: tăng cường hấp thu canxi và phospho. Thai nhi có nguy cơ còi xương từ trong bụng mẹ nếu mẹ thiếu hụt vitamin D.
- Vitamin B1: cần thiết để chuyển hoá carbohydrat, chống lại bệnh tê phù. Ngũ cốc, đậu hạt là nguồn cung cấp vitamin B1 dồi dào.
- Nước: Phụ nữ có thai nên uống đầy đủ nước vì chuyển hoá cao và hạn chế tình trạng táo bón trong quá trình mang thai. Trung bình phụ nữ có thai uống thêm 2000 ml nước lọc (khoảng 8 ly mỗi ngày). Giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, cần uống tăng thêm so với ban đầu 1-2 ly nước
Một số lưu ý
- Không nên sử dụng chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá, nước trà,…
- Hạn chế gia vị
- Giảm ăn mặn, giảm ăn muối, nước chấm
- Không nên quá kiêng khem
- Lao động nhẹ nhàng, chú ý nghỉ ngơi giữ gìn sức khoẻ
- Khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ
Thực đơn tham khảo cho phụ nữ có thai
Thực đơn tham khảo 1800 kcal cho phụ nữ mang thai 3 tháng giữa. Cơ cấu khẩu phần 55% Glucid, 20% chất đạm, 25% chất béo.
Số đơn vị thực phẩm trong khẩu phần ăn
- Ngũ cốc, khoai củ: 10 đơn vị
- Chất đạm: 6 đơn vị
- Chất béo: 1 đơn vị
- Sữa và sản phẩm từ sữa: 6 đơn vị
- Rau: 3 đơn vị
- Trái cây: 2 đơn vị
- Dầu mỡ bơ: 1 đơn vị
- Gia vị: 1 đơn vị
Bữa ăn | Món ăn | Thành phần | Mô tả |
---|---|---|---|
Bữa sáng | Phở gà | Bánh phở | 1,5 chén |
Thịt gà | 10 lát nhỏ | ||
Rau giá | |||
Sữa tươi | Sữa tươi không đường | 200 ml | |
Trưa | Cơm sườn heo rim | Cơm | 2 chén |
Sườn heo | 4 khúc nhỏ | ||
Canh cải xanh | Cải xanh | 3 cây nhỏ | |
Thịt heo xay | 1 muỗng canh | ||
Rau củ luộc | Susu, cà rốt | ½ chén | |
Trái cây | Nho | 6 trái trung bình | |
Phụ trưa | Sữa chua | Sữa chua không đường | 1 hũ 100g |
Phô mai | 1 miếng phô mai tam giác (15g) | ||
Chiều | Cơm cá basa sốt cà | Cơm | 2 chén |
Cá basa | 1 khứa nhỏ | ||
Cà chua | ½ quả | ||
Canh đậu trắng rau củ | Đậu hũ trắng | 1/3 bìa lớn | |
Cà rốt, bông cải | 1 chén đầy | ||
Trái cây | Thanh long | ¼ trái trung bình | |
Tối | Sữa tươi | Sữa tươi không đường | 200 ml |
Lưu ý:
- Mỗi ngày sử dụng 1 đơn vị chất béo thêm vào khẩu phần ăn. Mỗi đơn vị chất béo sẽ tương đương với
- Dầu thực vật/mỡ heo nước/mè/đậu phộng/bơ đậu phộng: 1 muỗng canh hoặc
- Bơ/mỡ heo đặc: 1 muỗng cà phê hoặc
- Cùi dừa già: 2 muỗng canh.
- Người đái tháo đường thai kỳ nên được tư vấn dinh dưỡng với bác sĩ dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp tình trạng sức khoẻ.
>>> Xem thêm: Leisure Mom - Soup Uống Dinh Dưỡng Công Thức Cho Mẹ Bầu
Tài liệu tham khảo
- Chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ có thai, Dinh dưỡng điều trị, Bộ Y tế 2021.
- Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời, Hội Nhi khoa Việt Nam
- Hướng dẫn xây dựng chế độ ăn phụ nữ mang thai, Trung tâm dinh dưỡng TPHCM