Dấu hiệu của dị ứng đạm
Dị ứng là một phản ứng bất lợi của miễn dịch khi nhận nhầm một chất bình thường (điển hình là chất đạm) là chất xâm nhập nguy hiểm, kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại chất dị ứng đó. Về lâu dài, khi tiếp xúc với chất gây dị ứng một lần nữa, chất histamin được tiết ra, gây ra các phản ứng dị ứng.
Dị ứng đạm sữa bò là phản ứng miễn dịch bất thường khi cơ thể phản ứng miễn dịch chống lại đạm có trong sữa bò hoặc sản phẩm từ sữa bò, gây ra tình trạng dị ứng ở khắp cơ quan trên cơ thể
- Da: viêm da cơ địa, sưng môi, mí mắt, mề đay,…
- Hô hấp: sổ mũi, ho kéo dài, khò khè, khó thở, phù thanh quản, co thắt phế quản cấp tính…
- Tiêu hoá: thường xuyên trào ngược, nôn trớ, tiêu chảy/táo bón, ngứa hậu môn, máu trong phân, đau bụng…
Ngoài ra, trẻ thường mệt mỏi kéo dài, thiếu máu thiếu sắt, giảm albumin máu,… hoặc nặng hơn, trẻ có thể bị sốc phản vệ.
Dị ứng đạm sữa có ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé không?
Nếu không được điều trị kịp thời, dị ứng đạm sữa bò sẽ khiến cho trẻ
- Chậm phát triển thể chất
- Suy dinh dưỡng
- Thiếu máu thiếu sắt
- Khó chịu do phản ứng dị ứng tại da, đường hô hấp, tiêu hoá
- Sốc phản vệ
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ dị ứng đạm sữa
Nguyên tắc chính trong chế độ ăn của trẻ dị ứng đạm sữa bò là loại bỏ hoàn toàn sữa bò và chế phẩm từ sữa bò có thể gây dị ứng ra khỏi chế độ ăn. Lựa chọn dòng sữa công thức cho trẻ dị ứng đạm bò.
Trẻ dưới 12 tháng tuổi
Nếu trẻ đang bú sữa mẹ: sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ trong giai đoạn này cũng như giúp phòng tránh được tình trạng dị ứng đạm bò, khuyến nghị cho trẻ bú mẹ càng lâu càng tốt. Nếu khi bú mẹ mà xuất hiện các triệu chứng dị ứng đạm sữa bò, bà mẹ cần phải loại bỏ sữa bò, chế phẩm từ sữa bò ra khỏi chế độ ăn hoặc ưu tiên sử dụng sữa công thức amino acid nếu trẻ xuất hiện triệu chứng dị ứng nặng (phù mắt, môi, nôn mửa, mề đay,…)
Nếu trẻ đang uống sữa công thức: khi dị ứng đạm trung bình, nặng nên sử dụng sữa thuỷ phân tích cực hoặc thuỷ phân một phần hoặc công thức amino acid tuỳ vào khả năng dung nạp của trẻ.
Các loại sữa pha sẵn từ đậu nành, lúa mạch và gạo không thể cung cấp đầy đủ năng lượng và dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ.
Trẻ trên 12 tháng tuổi
Trẻ cần được đánh giá khả năng dung nạp đạm sữa bò trước khi chọn loại sữa phù hợp. Thông thường khi trẻ lớn hơn, khả năng dung nạp đạm sữa bò sẽ được cải thiện, nhưng cần phải đánh giá kĩ lưỡng bởi nhân viên y tế trước khi cho trẻ sử dụng sữa thuỷ phân một phần hoặc sữa bò nguyên vẹn.
Dị ứng đạm sữa bò có thể thuyên giảm 45-50% sau 1 năm, 60-75 sau 2 năm và 85-90% sau 3 năm.
Lưu ý trẻ dị ứng đạm sữa bò cũng có khả năng dị ứng với nhiều loại thực phẩm khác như đạm đậu nành, ngũ cốc
Người thân của trẻ cần phải lưu ý
- Đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác loại thực phẩm gây dị dứng và lựa chọn loại sữa công thức phù hợp theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
- Nhận biết các dấu hiệu dị ứng của trẻ và dấu hiệu nặng để kịp thời xử lý
- Không tự ý thử cho trẻ dị ứng đạm sữa bò sử dụng sữa bò thông thường khi không có sự hướng dẫn của nhân viên y tế, đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi vì có khả năng xảy ra các phản ứng dị ứng nặng.
- Đọc nhãn mác thực phẩm: trong giai đoạn cần loại bỏ hoàn toàn thực phẩm gây dị ứng, nên thận trọng đọc kĩ nhãn mác thực phẩm và tránh các thành phần như: sữa, sữa tươi, sữa bò, bột sữa, whey protein, casein, milk, phô mai, cheese, bơ, butter, ghee, kem, cream,…
- Bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D, B12, đạm khác trong chế độ ăn của trẻ.
- Cần thận trọng khi cho trẻ ăn thịt bò vì một số trẻ dị ứng đạm sữa cũng có khả năng dị ứng đạm từ thịt bò.
Các bệnh lý thường có triệu chứng giống với dị ứng đạm sữa bò
- Bất dung nạp lactose
- Bệnh celiac
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Nhiễm trùng: tiêu hoá, tiết niệu
- Ngộ độc thực phẩm
- Dị ứng với tác nhân khác: trứng, đậu, phấn hoa, lông động vật,…
>>> Xem thêm: O'ricmeal Peptide - Soup Uống Dinh Dưỡng Công Thức Cho Trẻ Kém Hấp Thu, Dị Ứng Đạm Sữa
Tài liệu tham khảo
- Dinh dưỡng trong điều trị nhi khoa, Trường đại học Y Hà Nội
- Dinh dưỡng lâm sàng, Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
- Dinh dưỡng cho trẻ dị ứng đạm sữa bò, https://bvndtp.org.vn/dinh-duong-cho-tre-di-ung-dam-sua-bo/