
Tại sao cần khám dinh dưỡng cho trẻ?
Phát hiện sớm các vấn đề về dinh dưỡng
Khám dinh dưỡng định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề về dinh dưỡng ở trẻ, từ đó có những biện pháp can thiệp kịp thời. Các vấn đề dinh dưỡng thường gặp như suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, béo phì hay thừa cân có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Khi phát hiện sớm, các bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên, phương pháp điều trị phù hợp để điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt, từ đó giúp trẻ phát triển khỏe mạnh hơn.
Đánh giá sự phát triển
Khám dinh dưỡng giúp đánh giá sự phát triển của trẻ về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Dựa vào các chỉ số như cân nặng, chiều cao, hay vòng đầu, bác sĩ có thể nhận diện được tình trạng dinh dưỡng của trẻ và đưa ra những lời khuyên điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp
Một chế độ dinh dưỡng khoa học là rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Khám dinh dưỡng giúp các bác sĩ tư vấn cho phụ huynh về một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất, phù hợp với độ tuổi và nhu cầu phát triển của bé.
Ngăn ngừa bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng
Nhiều bệnh lý như suy dinh dưỡng, béo phì, tiểu đường, các bệnh về tim mạch và các vấn đề về xương khớp có thể xuất hiện từ những thói quen ăn uống không lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ. Khám dinh dưỡng giúp phát hiện các nguy cơ này và phòng ngừa bệnh tật hiệu quả.
>>> Xem thêm: Các bệnh lý thường gặp khi thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở trẻ 1-6 tuổi
Quy trình khám dinh dưỡng cho bé
Khám tổng quát
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát của bé, bao gồm đánh giá các chỉ số chiều cao, cân nặng, chỉ số BMI và các chỉ số khác. Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm cần thiết nếu nghi ngờ có tình trạng bệnh lý. Đây là bước quan trọng để phát hiện các dấu hiệu bất thường trong sự phát triển thể chất của bé.
Khảo sát chế độ ăn uống hiện tại
bác sĩ tìm hiểu chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ, bao gồm các bữa ăn chính, phụ, thói quen ăn uống, sở thích và những thực phẩm trẻ thường xuyên tiêu thụ. Điều này giúp bác sĩ nhận diện các vấn đề dinh dưỡng có thể có, như việc thiếu hụt vi chất hay lựa chọn thực phẩm chưa hợp lý.
Đánh giá tình trạng dinh dưỡng
Sau khi khám tổng quát, kiểm tra các chỉ số cơ thể, xét nghiệm và chế độ ăn uống, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Đây là bước quan trọng để xác định liệu bé có gặp phải các vấn đề như suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, hay thiếu hụt vi chất dinh dưỡng hay không.
Tư vấn chế độ dinh dưỡng
Dựa trên kết quả đánh giá, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống và các thực phẩm cần bổ sung hoặc cắt giảm. Đặc biệt, bác sĩ sẽ đề xuất các biện pháp điều trị cụ thể cho từng bệnh lý liên quan dinh dưỡng; bổ sung thực phẩm giàu dưỡng chất, vitamin, khoáng chất phù hợp với độ tuổi và nhu cầu phát triển của trẻ.
Theo dõi kết quả: hẹn tái khám định kỳ để theo dõi sự cải thiện các vấn đề dinh dưỡng và điều chỉnh kịp thời.
>>> Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết suy dinh dưỡng trẻ 1 - 6 tuổi
Cần chuẩn bị gì trước khi khám dinh dưỡng?
Để đảm bảo buổi khám dinh dưỡng diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, các bậc phụ huynh cần chuẩn bị một số thông tin sau:
- Thông tin về sức khỏe và bệnh lý, tiêm chủng của trẻ từ khi sinh đến hiện tại, bao gồm các bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
- Sổ theo dõi sự phát triển của trẻ: giúp đánh giá sự phát triển của bé qua các lần khám trước.
- Chế độ ăn uống của bé gần đây: giúp bác sĩ dễ dàng đánh giá tình trạng dinh dưỡng hiện tại của trẻ.
- Thói quen đi vệ sinh của bé: tiêu chảy, táo bón, tiêu phân sống hay không?
Các vấn đề dinh dưỡng thường gặp ở trẻ em
Trẻ em có thể gặp phải nhiều vấn đề dinh dưỡng, mỗi vấn đề sẽ có các ảnh hưởng khác nhau đến sự phát triển của trẻ. Dưới đây là một số vấn đề dinh dưỡng phổ biến ở trẻ em:
Suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là tình trạng trẻ không nhận đủ dưỡng chất cần thiết để phát triển. Trẻ suy dinh dưỡng có thể có cân nặng thấp, chiều cao chậm phát triển, và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Việc cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm, vitamin, khoáng chất là rất quan trọng để điều trị và phòng ngừa suy dinh dưỡng.
Béo phì và thừa cân
Béo phì và thừa cân ở trẻ em đang ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Trẻ bị béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh lý như tiểu đường, bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa, và các vấn đề về tâm lý. Điều quan trọng là thay đổi thói quen ăn uống, tăng cường vận động và giảm thiểu thức ăn chế biến sẵn, nhiều đường.
Thiếu vi chất dinh dưỡng
Thiếu vi chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin D, sắt, kẽm… có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như thiếu máu, suy giảm miễn dịch, còi xương, và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ nhưng khó phát hiện. Việc bổ sung vi chất từ thực phẩm tự nhiên, thực phẩm chức năng hoặc thuốc là cần thiết tuỳ vào tình trạng thiếu hụt.
Biếng ăn
Biếng ăn là tình trạng trẻ không có hứng thú với việc ăn uống, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và chậm phát triển. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm thiếu vi chất, thói quen ăn uống không hợp lý, bệnh lý hay thậm chí là tâm lý của trẻ.
>>> Xem thêm: Dinh dưỡng cho trẻ bất dung nạp Lactose
Những địa điểm khám dinh dưỡng uy tín cho bé
Tại các bệnh viện và trung tâm y tế chuyên sâu, các bậc phụ huynh có thể đưa trẻ đi khám dinh dưỡng tại những địa chỉ uy tín. Một số bệnh viện nổi bật trong lĩnh vực khám dinh dưỡng cho trẻ như:
Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Hà Nội)
Viện Dinh dưỡng Quốc gia là địa chỉ hàng đầu về dinh dưỡng tại Hà Nội và cả nước, với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và thiết bị xét nghiệm hiện đại. Đây là nơi lý tưởng cho các bậc phụ huynh muốn khám và điều trị dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.
- Địa chỉ: 48B Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội; 91 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội; Liền kề-GA03, Nhà CT2A, Khu Đô thị Tân Tây Đô, Đan Phượng, Hà Nội.
- Giờ làm việc: 07:30 – 16:30 (Thứ 2 – Thứ 6), 07:30 – 11:30 (Thứ 7 – Chủ Nhật)
- Số điện thoại: 024 39720554
Bệnh viện Nhi Trung Ương (Hà Nội)
Bệnh viện Nhi Trung Ương không chỉ nổi bật với đội ngũ bác sĩ hàng đầu mà còn có cơ sở vật chất hiện đại, chuyên sâu trong việc điều trị dinh dưỡng cho trẻ. Tại đây cũng thường xuyên có các lớp thực hành bổ sung kiến thức dinh dưỡng cho phụ huynh.
- Địa chỉ: 18/879 La Thành, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
- Giờ làm việc: 07:00 – 16:30 (Thứ 2 – Thứ 6)
- Số điện thoại: 024 6273 8532
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
Đây là một trong những trung tâm dinh dưỡng uy tín tại TP.HCM, không chỉ khám và tư vấn dinh dưỡng mà còn là nơi thực hiện các nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên sâu để nâng cao nguồn nhân lực trong lĩnh vực dinh dưỡng.
Địa chỉ: 180 Lê Văn Sỹ, phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM
Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM)
Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng Thành Phố nổi bật với chuyên khoa dinh dưỡng chất lượng và các bác sĩ có chuyên môn dinh dưỡng hàng đầu, nơi các bậc phụ huynh có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các bác sĩ có chuyên môn cao trong việc tư vấn và điều trị dinh dưỡng cho trẻ em.
>>> Xem thêm: Trẻ suy dinh dưỡng thấp còi nên bổ sung gì, ăn gì để phát triển?
Khi nào nên đưa bé đi khám dinh dưỡng?
Phụ huynh nên đưa bé đi khám dinh dưỡng khi
- Trẻ có sự thay đổi đáng kể về cân nặng, chiều cao, hoặc sự phát triển thể chất hoặc không chậm tăng trưởng, phát triển trong một thời gian dài.
- Trẻ gặp phải các vấn đề về biếng ăn, tiêu hóa, hoặc thường xuyên mắc bệnh.
- Trẻ có những dấu hiệu của suy dinh dưỡng hoặc béo phì, tay chân nhợt nhạt,...
Làm sao để biết có bị suy dinh dưỡng hay không?
Để biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không, các bậc phụ huynh có thể dựa vào các dấu hiệu sau:
- Cân nặng và chiều cao: trẻ suy dinh dưỡng thường có cân nặng và chiều cao thấp hơn so với tiêu chuẩn của các trẻ cùng độ tuổi.
- Chậm phát triển: trẻ bị suy dinh dưỡng có thể chậm phát triển về mặt thể chất và trí tuệ.
- Hay mệt mỏi, biếng ăn: trẻ suy dinh dưỡng thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, lười ăn, kém tập trung và hay mắc bệnh lý nhiễm trùng.
Nếu phát hiện những dấu hiệu này, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.