Nuôi ăn qua sonde dạ dày là gì? Những lưu ý khi cho ăn qua ống thông

Nuôi ăn qua sonde dạ dày là gì? Những lưu ý khi cho ăn qua ống thông

Nuôi ăn qua sonde dạ dày là gì?

Nuôi ăn qua sonde dạ dày, hay còn gọi là nuôi ăn qua ống thông dạ dày, là một phương pháp cung cấp dinh dưỡng cho những bệnh nhân có đường tiêu hóa hoạt động bình thường nhưng không thể duy trì lượng thức ăn đưa vào qua đường miệng đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng và trao đổi chất, do các vấn đề về sức khỏe: người bệnh hôn mê, co giật, trẻ đẻ non (phản xạ mút, nuốt kém), dị dạng đường tiêu hóa nặng hoặc khi ăn bằng đường miệng có nguy cơ gây suy hô hấp.

Phương pháp này áp dụng trong bệnh viện hoặc tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Sử dụng một ống mềm, được gọi là sonde, đưa qua mũi hoặc miệng xuống dạ dày hoặc đoạn đầu của ruột non (tại tá tràng) để cung cấp thức ăn lỏng, nước và các chất dinh dưỡng cần thiết.

Lợi ích của nuôi ăn qua sonde dạ dày?

Nuôi ăn qua sonde dạ dày là một phương pháp hỗ trợ dinh dưỡng quan trọng đem lại nhiều lợi ích:

Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng: Nuôi ăn qua sonde giúp cung cấp đủ calo, protein, carbohydrate, lipid, vitamin và khoáng chất khi bệnh nhân không thể ăn uống bình thường, từ đó hỗ trợ phục hồi thể trạng và đáp ứng điều trị hiệu quả

Duy trì chức năng hệ tiêu hóa: khi thức ăn được đưa vào dạ dày hệ tiêu hóa tiếp tục được hoạt động bình thường, hấp thu dưỡng chất hiệu quả và ngăn ngừa teo ruột, loạn khuẩn đường ruột, so với việc không cho ăn hoặc nuôi ăn qua tĩnh mạch hoàn toàn.

Giảm nguy cơ, biến chứng viêm phổi hít: Tránh hít sặc bằng cách đưa thức ăn trực tiếp vào dạ dày, đặc biệt hữu ích cho bệnh nhân rối loạn nuốt như đột quỵ, Parkinson.

Giảm áp lực cho người chăm sóc: Nuôi ăn qua sonde dạ dày giúp đảm bảo dinh dưỡng, hạn chế biến chứng do cho ăn sai cách, giảm bớt lo lắng và công sức khi bệnh nhân từ chối ăn.

>>> Xem thêm: Thăm người bệnh mới mổ nên mua gì? Gợi ý quà tặng chu đáo và thiết thực

Các biến chứng khi nuôi ăn qua sonde dạ dày

Nuôi ăn qua sonde dạ dày có thể gây rủi ro nếu thực hiện sai kỹ thuật, khi tuân thủ đúng quy trình sẽ giảm thiểu biến chứng. Dưới đây là một số biến chứng hay gặp:

Biến chứng liên quan đến đặt ống sonde

Đặt sonde có thể gây tổn thương niêm mạc mũi, họng, thực quản, dạ dày hoặc loét do sử dụng lâu dài. Đặt sai vị trí (vào khí quản, phổi) làm tăng nguy cơ hít sặc, suy hô hấp.

Biến chứng tiêu hóa

-   Trào ngược dạ dày – thực quản và viêm phổi hít: Thường gặp ở bệnh nhân nằm lâu, giảm nhu động dạ dày, ăn xong nằm ngay, khiến thức ăn trào ngược vào phổi, gây viêm phổi hít.

Tiêu chảy hoặc táo bón: Thành phần dinh dưỡng không phù hợp, quá đậm đặc hoặc bơm quá nhanh có thể gây tiêu chảy, trong khi thiếu nước và chất xơ dễ dẫn đến táo bón.

-   Đầy bụng, buồn nôn và nôn: Truyền thức ăn quá nhanh hoặc tồn dư dạ dày nhiều có thể gây đầy hơi, khó chịu, buồn nôn hoặc nôn.

Biến chứng nhiễm trùng

Nhiễm trùng do chăm sóc sonde không đúng cách, không được vệ sinh thường xuyên có thể trở thành môi trường cho vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng mũi, họng hoặc dạ dày.

Biến chứng cơ học

Tắc nghẽn sonde: Do lượng thức ăn còn sót lại kết tủa protein hoặc cặn thuốc,… gây tắc ống sonde và làm gián đoạn nuôi ăn.

Dịch chuyển hoặc rơi sonde: Dễ dàng bị tuột ra bởi ho, nôn hoặc tự rút ở những bệnh nhân kích động, lú lẫn,… Nếu sonde di lệch vào thực quản hoặc phổi, có thể gây gây tử vong do viêm phổi hít.

Biến chứng lâu dài

Sonde dài ngày có thể gây loét, hoại tử niêm mạc do áp lực liên tục lên mũi, hầu họng, dạ dày, đồng thời tạo căng thẳng tâm lý cho bệnh nhân.

>>> Xem thêm: Khuyến cáo sử dụng dung dịch Carbohydrate trước và sau phẫu thuật đường tiêu hóa

Quy trình nuôi ăn qua sonde dạ dày

Nuôi ăn qua sonde dạ dày cần được thực hiện cẩn trọng theo quy trình để đảm bảo an toàn:

  • Tư thế cho ăn: Người bệnh nên ngồi hoặc nâng đầu cao ít nhất 30 – 45 độ khi cho ăn và duy trì sau ăn 30 phút.
  • Vệ sinh ống thông: Trước và sau khi bơm súp hoặc sữa, dùng 30-50ml nước lọc để tráng sạch ống thông.
  • Cách cho ăn: Đổ súp hoặc sữa vào ống, để thức ăn chảy từ từ theo trọng lực. Không bơm thức ăn nhanh hoặc mạnh.
  • Sử dụng thuốc: Không bơm thuốc cùng lúc với thức ăn. Thuốc nên bơm riêng theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Theo dõi bất thường: Báo ngay cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế nếu gặp các triệu chứng: Trào ngược thức ăn ở mũi hoặc miệng, ăn không tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, tắc nghẽn ống thông.
  • Kiểm tra dịch dạ dày: Thỉnh thoảng hút dịch dạ dày trước khi bơm ăn. Nếu lượng dịch dạ dày vượt 300ml, giảm tốc độ nuôi ăn và báo với bác sĩ điều trị để được xử lý.

Chế độ dinh dưỡng cho người nuôi ăn qua sonde dạ dày

Nhu cầu dinh dưỡng

Nuôi ăn qua sonde dạ dày cần cung cấp đầy đủ năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất, đồng thời phù hợp với khả năng hấp thu và tình trạng bệnh lý của từng bệnh nhân. Do đó, cần được thăm khám bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, dựa trên đánh giá tình trạng dinh dưỡng, khả năng hấp thu, dung nạp và tình trạng bệnh lý của từng bệnh nhân.

Các loại chế độ nuôi ăn qua sonde

  • Dinh dưỡng qua sonde công nghiệp: Dạng lỏng hoặc bột đã được cân bằng và kiểm soát năng lượng, protein, vi chất với các công thức phổ biến: chuẩn, cao năng lượng giàu protein, giàu chất xơ, hoặc chuyên biệt cho bệnh nhân tiểu đường, suy gan, suy thận…
  • Dinh dưỡng tự chế biến: Xay nhuyễn từ thực phẩm tự nhiên như cháo loãng, súp, thịt, cá, trứng, các loại đậu, rau củ, sữa,…Công thức cần được tính toán bởi các chuyên gia dinh dưỡng, độ lỏng vừa phải (lọc qua rây mịn tránh tắc ống sonde). Quá trình chế biến phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để tránh nhiễm khuẩn.

>>> Xem thêm: Sau phẫu thuật không nên ăn gì để mau lành vết mổ, nhanh hồi phục?

Cách chăm sóc bệnh nhân nuôi ăn qua sonde dạ dày tại nhà

Hiện nay việc nuôi ăn qua sonde dày tại nhà là rất phổ biến, bệnh nhân và người chăm sóc cần tuân thủ các hướng dẫn khoa học sau để đảm bảo an toàn và hiệu quả:

  • Đảm bảo vị trí ống thông đúng cách: Kiểm tra vị trí sonde trước mỗi lần cho ăn để tránh nguy cơ hít sặc do sonde bị di lệch vào phổi (quan sát độ dài ống sonde, quan sát vị trí đánh dấu,…)
  • Lựa chọn công thức dinh dưỡng phù hợp với khả năng hấp thu và tình trạng bệnh lý.
  • Cho ăn đúng cách theo quy trình nuôi ăn qua sonde dạ dày
  • Vệ sinh và phòng ngừa biến chứng: Vệ sinh ống sonde, thay ống sonde định kỳ, vệ sinh tay, dụng cụ cho ăn, chăm sóc da tại vị trí đặt sonde,…

Câu hỏi thường gặp khi nuôi ăn qua sonde dạ dày

Cần chuẩn bị những gì trước khi nuôi ăn qua sonde?

Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi nuôi ăn qua sonde giúp đảm bảo an toàn, tối ưu dinh dưỡng và giảm biến chứng. Dưới đây là những yếu tố quan trọng cần lưu ý:

  • Chuẩn bị về thiết bị và dụng cụ: Ống thông dạ dày (phụ thuộc vào bệnh lý, điều kiện kinh tế mà chọn loại phù hợp về kích thước, chất liệu, thời gian lưu của ống)
  • Chuẩn bị về dinh dưỡng: Lựa chọn công thức nuôi ăn phù hợp về khả năng hấp thu và tình trạng bệnh lý về cách chế biến, phân bổ thời gian cho ăn,…
  • Chuẩn bị về quy trình: Cho ăn đúng cách theo quy trình nuôi ăn qua sonde dạ dày đã được đề cập phía trên
  • Chuẩn bị tâm lý cho bệnh nhân và người nhà: Giải thích những lợi ích, nguy cơ, hướng dẫn chi tiết cách thực hiện, xử lý sự cố (tắc sonde, trào ngược…) và động viên bệnh nhân hợp tác.

Làm sao để vệ sinh và chăm sóc sonde dạ dày?

  • Tráng ống: dùng 30-50ml nước lọc để tráng sạch ống thông trước và sau khi bơm súp hoặc sữa.
  • Xử lý tắc ống: có thể xả bằng ống tiêm có thể tích lớn hơn (ví dụ: 60 ml). Sử dụng men amylase hòa tan trong bicarbonate hoặc báo với nhân viên y tế khi không xử lý được.
  • Thay ống định kỳ tại cơ sở y tế: đối với ống sonde polyurethane (4 – 6 tháng), ống sonde PVC (7 – 10 ngày).

Khi nào cần liên hệ bác sĩ khi nuôi ăn qua sonde dạ dày?

Việc theo dõi chặt chẽ trong quá trình nuôi ăn qua sonde giúp phát hiện sớm biến chứng và can thiệp kịp thời. Dưới đây là những dấu hiệu cần báo ngay cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế:

  • Dấu hiệu viêm phổi hít (biến chứng nguy hiểm nhất): Bệnh nhân có triệu chứng bất thường khi ăn qua sonde: Ho sặc mạnh, khó thở khi bơm thức ăn; Sốt cao, đau tức ngực, đờm vàng/xanh (dấu hiệu viêm phổi): Mạch nhanh, khó thở,…
  • Các dấu hiệu bất thường ở đường tiêu hóa: Bệnh nhân có dấu hiệu đầy bụng, chướng bụng; Nôn mửa hoặc buồn nôn sau khi bơm thức ăn; Tiêu chảy, táo bón kéo dài
  • Biến chứng liên quan đến ống sonde: Sonde bị tắc hoàn toàn, sonde bị tụt hoặc lệch khỏi vị trí, vùng da quanh sonde bị đỏ, sưng, đau hoặc chảy dịch bất thường.

Nuôi ăn qua sonde dạ dày, khi thực hiện đúng kỹ thuật và quy trình, sẽ mang lại hiệu quả dinh dưỡng cao và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý một số biến chứng có thể gặp phải để đảm bảo an toàn và tối ưu hóa quá trình điều trị.

>>> Xem thêm: EPA là gì? Lợi ích và cách bổ sung EPA hiệu quả

Tài liệu tham khảo

  1. Bệnh viện Nhân dân 115 (2014), Nuôi ăn qua ống thông, phác đồ điều trị dinh dưỡng cơ bản, trang 21 – 28.
  2. Quyết định Số: 3805/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu “hướng dẫn quy trình kỹ thuật nội khoa, chuyên ngành tiêu hóa ngày 25/9/2014.
  3. Hướng dẫn dinh dưỡng trong điều trị bệnh nhân nặng Nhà xuất bản Y học, 2019.
  4. Rowat, A. Enteral tube feeding for dysphagic stroke patients. Br. J. Nurs. 2015, 24, 138–144
  5. CHAUHAN, Devkishan, et al. Nasogastric tube feeding in older patients: a review of current practice and challenges faced. Current gerontology and geriatrics research, 2021, 2021.1: 6650675.

Đang xem: Nuôi ăn qua sonde dạ dày là gì? Những lưu ý khi cho ăn qua ống thông

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng