
Ung thư phổi giai đoạn cuối là thời kỳ bệnh tiến triển nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể và khả năng ăn uống của bệnh nhân. Một thực đơn cho người ung thư phổi giai đoạn cuối độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ giúp duy trì năng lượng, hỗ trợ hệ miễn dịch mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe, giảm triệu chứng và hỗ trợ điều trị ung thư phổi. Một số nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ gồm:
- Cung cấp đủ năng lượng và protein: Để giúp duy trì cân nặng, chống suy kiệt, bệnh nhân cần lượng calo và protein đầy đủ. Nên chọn thực phẩm giàu protein như trứng, cá, sữa, đậu nành. Nếu bệnh nhân ăn ít, có thể bổ sung sữa cao năng lượng hoặc thực phẩm giàu dinh dưỡng như bơ, hạt óc chó.
- Ăn dễ tiêu, chia nhỏ bữa: Bệnh nhân ung thư phổi thường bị chán ăn, khó tiêu. Vì vậy, thay vì 3 bữa lớn, hãy chia thành 5-6 bữa nhỏ để dễ hấp thu. Nên ăn cháo, súp, sinh tố, thực phẩm dạng lỏng hoặc mềm để dễ nuốt.
- Tăng cường thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: Rau xanh, trái cây giàu chất chống oxy hóa, vitamin A, C, E giúp tăng cường miễn dịch.
- Bổ sung chất béo lành mạnh: Sử dụng chất béo từ dầu ô liu, dầu hạt lanh, cá béo thay cho mỡ động vật, giúp cung cấp năng lượng, không gây hại cho tim mạch và không gây áp lực lên hệ tiêu hóa.
- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường: Tránh thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường, đồ uống có gas và rượu bia, những thực phẩm này có thể làm suy giảm sức khỏe, tăng viêm và gây mệt mỏi.
- Uống đủ nước: Uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày, giúp cơ thể thải độc, duy trì chức năng thận và hạn chế táo bón.
Thực đơn khoa học cho người ung thư phổi giai đoạn cuối
Thực đơn dưới đây giúp bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối (CN=55kg) dễ ăn, dễ tiêu hóa, cung cấp đầy đủ năng lượng, protein, chất béo lành mạnh và các vitamin cần thiết.
- Năng lượng: 1800 kcal
- Đạm: 85g
- Chất béo: 65g
- Carb (đường bột): 230g
Bữa ăn | Thực phẩm | Khối lượng |
---|---|---|
Bữa sáng Cháo yến mạch thịt bằm | Yến mạch Thịt heo nạc xay Dầu ô liu Cà rốt băm Hành lá | 40g 60g 5g 20g 5g |
Bữa phụ sáng Sinh tố bơ chuối hạt chia | Bơ chín Chuối chín Sữa tươi không đường Hạt chia | 50g 50g 100ml 5g |
Bữa trưa Cơm Cá hồi hấp gừng Canh bí đỏ đậu hũ non | Cơm Cá hồi Dầu ô liu Bí đỏ Đậu hũ non Dầu mè | 100g 80g 5g 80g 800g 5g |
Bữa phụ chiều | Sữa chua | 01 hộp |
Bữa tối Cháo cá lóc rau ngót | Gạo Cá lóc Rau ngót Dầu ô liu | 40g 60g 70g 5g |
Bữa phụ tối Sữa cao năng lượng | Sữa cao năng lượng (1.5 kcal/1ml) | 200ml |
Lưu ý: Các thực phẩm thiết kế trong khẩu phần ăn là thực phẩm sống sạch (đã qua sơ chế để chế biến)
>>> Xem thêm:
- Bệnh nhân ung thư nên ăn gì và không nên ăn gì?
- Ung thư tuyến giáp thể nhú kiêng ăn gì?
Các thực phẩm nên ăn cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối
Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp rất quan trọng để giúp cung cấp đủ dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ bệnh nhân duy trì sức khỏe. Dưới đây là các nhóm thực phẩm nên có trong thực đơn:
Thực phẩm giàu protein để duy trì khối cơ
Protein giúp tái tạo tế bào, hạn chế tình trạng sụt cân và suy kiệt cơ thể. Nên ưu tiên các nguồn protein dễ tiêu hóa như
- Trứng: Cung cấp protein chất lượng cao, dễ tiêu hóa.
- Cá hồi, cá thu, cá ngừ: Chứa omega-3 giúp chống viêm và hỗ trợ miễn dịch.
- Thịt gà, thịt bò nạc: Giúp bổ sung sắt và duy trì khối cơ.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: Chọn sữa nguyên kem, Sữa tươi, sữa chua giúp bổ sung canxi và protein.
Rau củ và trái cây giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào, giảm viêm và hỗ trợ hệ miễn dịch
- Cà rốt, bí đỏ: Giàu beta-carotene, tốt cho hệ hô hấp.
- Bông cải xanh, cải xoăn: Chứa sulforaphane giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương.
- Táo, nho, dâu tây: Cung cấp polyphenol và vitamin C giúp tăng cường đề kháng.
Ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm táo bón do tác dụng phụ của thuốc
- Gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám: Cung cấp năng lượng bền vững.
- Hạt chia, hạt lanh: Bổ sung chất xơ, chất béo tốt và hỗ trợ tiêu hóa.
Chất béo lành mạnh để cung cấp năng lượng
- Dầu ô liu: Tốt cho tim mạch, dễ hấp thu.
- Hạt óc chó, hạnh nhân, dầu cá: Cung cấp omega-3 và chất béo tốt.
>>> Xem thêm: Top Soup, Sữa dành cho người ung thư phổi tốt nhất hiện nay
Những loại thực phẩm nên kiêng cho người bệnh
Ở giai đoạn cuối của ung thư phổi, hệ tiêu hóa của bệnh nhân trở nên nhạy cảm hơn, cơ thể cũng suy yếu và dễ bị ảnh hưởng bởi thực phẩm không phù hợp. Vì vậy những thực phẩm sau cần cân nhắc khi sử dụng:
- Thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất bảo quản: Xúc xích, đồ hộp, mì gói đồ ăn nhanh chứa nhiều chất bảo quản, chất béo xấu và muối, có thể làm tăng viêm trong cơ thể. Những thực phẩm này thường khó tiêu hóa và không cung cấp nhiều dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh.
- Thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện: Đồ ngọt, bánh kẹo làm tăng đường huyết nhanh chóng nhưng lại không cung cấp dưỡng chất, việc tăng đường huyết có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng của người bệnh.
- Thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ: Đồ ăn chiên như gà rán, khoai tây chiên, bánh rán có thể gây đầy bụng, khó tiêu, làm cơ thể cảm giác mệt mỏi, khó chịu.
- Đồ uống có cồn, nước có gas: Rượu, bia có thể gây mất nước, khiến bệnh nhân dễ mệt mỏi. Nước có gas và cà phê có thể gây kích thích dạ dày, làm bệnh nhân khó chịu.
- Thực phẩm gây đầy hơi, khó tiêu: Một số loại đậu, bắp cải, hành tây có thể gây đầy hơi nếu không chế biến đúng cách, điều này có thể làm trầm trọng hơn cảm giác chán ăn của người bệnh. Nếu bệnh nhân thấy khó tiêu sau khi ăn những thực phẩm này, nên giảm bớt hoặc thay bằng rau xanh dễ tiêu hóa như cải bó xôi, rau muống.
Lời khuyên về việc chăm sóc dinh dưỡng cho người ung thư phổi tại nhà
Chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối cần đảm bảo đủ năng lượng, dễ tiêu hóa và giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái khi ăn uống. Không ép bệnh nhân ăn, thay vào đó, chia nhỏ bữa thành 5-6 lần/ngày với các món dễ nuốt như cháo, súp, sinh tố, trứng hấp. Tăng cường thực phẩm giàu protein (cá, sữa, trứng), chất béo lành mạnh (dầu ô liu, bơ, hạt), rau củ và trái cây để cung cấp vitamin, chất chống oxy hóa.
Bổ sung nước đầy đủ cho người bệnh, có thể thay bằng nước ép, nước dừa, canh loãng nếu có cảm giác khó chịu khi uống nước lọc. Tránh thực phẩm chiên rán, nhiều đường, đồ chế biến sẵn, vì có thể gây đầy bụng, khó tiêu. Khi ăn, tạo không gian thoải mái, tránh áp lực. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu suy dinh dưỡng, cần tham khảo bác sĩ để bổ sung sữa cao năng lượng hoặc truyền dinh dưỡng.
Quan trọng nhất là theo dõi phản ứng của bệnh nhân với thực phẩm, điều chỉnh linh hoạt và luôn ưu tiên sự thoải mái, dễ chịu cho người bệnh.
>>> Xem thêm: EPA là gì? Lợi ích và cách bổ sung EPA hiệu quả
Câu hỏi thường gặp
Chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt khi người bệnh gặp khó khăn trong ăn uống. Dưới đây là các câu hỏi thường gặp về dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư
Người ung thư phổi giai đoạn cuối có nên ăn thịt đỏ không?
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối có thể ăn thịt đỏ, nhưng cần hạn chế thịt mỡ và nội tạng để tránh gây viêm. Nên chọn thịt bò nạc, thịt heo nạc, ức gà, chế biến mềm như hấp, hầm để dễ tiêu hóa. Ngoài ra, cá béo như cá hồi, cá thu cũng là nguồn protein tốt.
Bệnh nhân ung thư phổi có nên uống sữa không?
Sữa là nguồn dinh dưỡng tốt cho bệnh nhân ung thư, nhưng một số người có thể khó tiêu hoặc đầy hơi do không dung nạp lactose. Nếu gặp tình trạng này, có thể thay thế bằng sữa không lactose, sữa hạnh nhân, sữa đậu nành hoặc sữa yến mạch. Sữa chua cũng là lựa chọn tốt vì dễ tiêu hóa hơn.
Bệnh nhân ung thư có cần kiêng hoàn toàn đường không?
Không cần kiêng hoàn toàn đường, nhưng nên hạn chế đường tinh luyện vì có thể làm tăng viêm và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Thay vào đó, bệnh nhân nên dùng đường tự nhiên từ trái cây, mật ong, đường thốt nốt tuy nhiên nên dùng ở lượng vừa phải để vừa cung cấp năng lượng vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Nếu bệnh nhân không ăn được nhiều, làm thế nào để đảm bảo đủ dinh dưỡng?
Nếu bệnh nhân chán ăn hoặc ăn ít, nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 lần/ngày với thực phẩm giàu năng lượng như cháo, súp, sinh tố, sữa cao năng lượng. Có thể bổ sung nước ép trái cây, bơ nghiền, hạt dinh dưỡng để tăng cường dưỡng chất. Chế biến món ăn mềm, lỏng giúp dễ nuốt và tiêu hóa hơn.
Bệnh nhân ung thư có nên nhịn ăn để chữa bệnh không?
Hiện nay, có một số thông tin cho rằng nhịn ăn có thể giúp "bỏ đói" tế bào ung thư, nhưng điều này không có cơ sở khoa học vững chắc và có thể gây hại nhiều hơn lợi. Việc nhịn ăn để chữa bệnh có thể làm cơ thể suy kiệt, giảm miễn dịch và đẩy nhanh quá trình suy dinh dưỡng. Thay vì nhịn ăn, bệnh nhân nên ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như súp, cháo, sinh tố và sữa cao năng lượng để duy trì sức khỏe.
>>> Xem thêm: Thăm người bệnh ung thư nên mua gì? Gợi ý quà tặng ý nghĩa và thiết thực
Làm thế nào để đối phó với các vấn đề ăn uống thường gặp ở bệnh nhân ung thư phổi
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối thường gặp nhiều vấn đề về ăn uống như chán ăn, buồn nôn, khó nuốt, đầy hơi… Những triệu chứng này làm giảm lượng thức ăn nạp vào, khiến cơ thể suy kiệt nhanh chóng.
Chán ăn, không muốn ăn
Chán ăn là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối, do ảnh hưởng của bệnh và tác dụng phụ của thuốc. Để cải thiện, hãy chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa/ngày, giúp bệnh nhân dễ ăn hơn mà không bị áp lực. Nên ưu tiên thực phẩm giàu năng lượng như sữa cao năng lượng, bơ, các loại hạt, cháo yến mạch để cung cấp đủ dinh dưỡng dù bệnh nhân ăn ít. Ngoài ra, tạo không gian ăn uống thoải mái, tránh ép ăn, có thể mở nhạc nhẹ để kích thích vị giác. Việc thay đổi thực đơn linh hoạt với nhiều món ăn hấp dẫn cũng giúp bệnh nhân có hứng thú hơn khi ăn uống.
Buồn nôn và nôn sau khi ăn
Buồn nôn có thể do tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị hoặc sự nhạy cảm với mùi thức ăn. Để giảm triệu chứng này, hãy chọn thực phẩm nhạt, ít mùi, tránh món chiên rán, nhiều dầu mỡ. Bệnh nhân nên ăn chậm, nhai kỹ, không nên nằm ngay sau khi ăn để tránh cảm giác buồn nôn. Uống nước gừng ấm hoặc trà bạc hà cũng giúp làm dịu dạ dày. Ngoài ra, thay vì ăn nhiều một lúc, hãy chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa.
Khó nuốt, nuốt đau
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối có thể gặp khó khăn khi nuốt do khối u chèn ép hoặc viêm nhiễm vùng hầu họng. Để hỗ trợ, nên chế biến thực phẩm mềm, lỏng như cháo, súp, sinh tố, trứng hấp để dễ nuốt hơn. Khi uống nước, bệnh nhân nên uống từng ngụm nhỏ, có thể dùng ống hút nếu cần. Ngoài ra, cần tránh các thức ăn khô, cứng như bánh mì khô, thịt nướng vì có thể gây khó chịu và đau khi nuốt.
Đầy hơi, khó tiêu
Hệ tiêu hóa của bệnh nhân ung thư thường yếu, dễ bị đầy hơi do giảm khả năng hấp thu. Để hạn chế tình trạng này, hãy tránh thực phẩm khó tiêu như các loại đậu, bắp cải, nước có gas. Bệnh nhân nên ăn chậm, nhai kỹ, không nên nói chuyện khi ăn để hạn chế nuốt không khí vào dạ dày. Ngoài ra, có thể bổ sung men tiêu hóa tự nhiên từ sữa chua, nước ép dứa hoặc gừng để giúp tiêu hóa tốt hơn.
Kết luận
Dinh dưỡng hợp lý giúp bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối duy trì sức khỏe và cải thiện chất lượng sống. Bằng cách lựa chọn thực phẩm phù hợp, chăm sóc đúng cách và điều chỉnh thực đơn theo tình trạng sức khỏe, người bệnh có thể ăn ngon hơn, giảm triệu chứng khó chịu và cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình điều trị.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/lung-cancer/treatment/stay-healthy/nutrition#:~:text=Eat%20a%20varied%20diet%20high,beta%2Dcarotene%20if%20you%20smoke.
- https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC8877211/
- https://www.healthline.com/health/lung-cancer/lung-cancer-diet
- https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/side-effects/nutrition
- https://www.cancercouncil.com.au/cancer-information/living-well/nutrition-and-cancer/common-questions/