Mẹ bầu tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Mẹ bầu tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Mẹ bầu tiểu đường thai kỳ nên ăn gì? Các thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, các loại quả ít ngọt như bưởi, ổi, đu đủ - Gạo lứt, yến mạch, quinoa - Dầu oliu, dầu thực vật - Thịt nạc, cá, tôm, đậu đen, đậu đỏ... chính là những thực phẩm giúp mẹ bầu kiểm soát đường huyết ổn định, được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng.

Nguyên nhân và biểu hiện của đái tháo đường thai kỳ

Nguyên nhân đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin trong thời gian mang thai. Insulin là một hormone giúp cơ thể chuyển hóa đường và các chất dinh dưỡng từ thức ăn vào trong các tế bào để cung cấp năng lượng.

Trong thai kỳ, các hormone của nhau thai có thể làm giảm tác dụng của insulin, khiến cơ thể cần phải sản xuất nhiều insulin hơn để duy trì mức đường huyết bình thường. Khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin, lượng đường trong máu tăng cao, dẫn đến tình trạng đái tháo đường.

Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc đái tháo đường thai kỳ, bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: gia đình có tiền sử mắc đái tháo đường, nguy cơ của thai phụ cũng sẽ cao hơn
  • Thừa cân hoặc béo phì: phụ nữ mang thai có chỉ số BMI cao, tăng cân quá mức trong thai kỳ có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ
  • Độ tuổi (trên 35)
  • Sinh nhiều con
  • Tiền sử thai kỳ: mẹ có tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ hoặc sinh con nặng cân (trên 4kg) trong thai kỳ trước; tăng huyết áp, đa thai

Biểu hiện đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ ràng, nhưng một số thai phụ có thể gặp các dấu hiệu như

  • Khát nước nhiều và đi tiểu thường xuyên do mức đường huyết cao làm cơ thể mất nước
  • Cảm giác mệt mỏi và yếu ớt vì cơ thể không thể sử dụng đường hiệu quả
  • Tầm nhìn mờ tạm thời do ảnh hưởng của đường huyết cao lên mắt
  • Buồn nôn hoặc nôn do mức đường huyết không ổn định; và sưng tay chân do cơ thể giữ nước.
  • Ngoài ra, thai phụ còn có thể gặp tình trạng đa ối (quá nhiều nước ối), thai to hoặc kém phát triển, dị tật bẩm sinh,...

Vì bệnh không luôn có triệu chứng rõ ràng, việc xét nghiệm đường huyết trong thai kỳ là rất quan trọng để phát hiện sớm và có biện pháp kiểm soát, tránh những biến chứng cho mẹ và bé.

>>> Xem thêm: Dinh dưỡng cho người đái tháo đường type-2 chi tiết

Mẹ bầu tiểu đường thai kỳ nên ăn gì để kiểm soát đường huyết?

Một chế độ ăn uống hợp lý và lành mạnh sẽ giúp mẹ bầu kiểm soát được đường huyết hiệu quả. Dưới đây là những thực phẩm mẹ bầu nên ăn để duy trì mức đường huyết ổn định:

Thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ có tác dụng làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu đường, giúp duy trì mức đường huyết ổn định. Mẹ bầu nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như:

  • Rau xanh: Rau cải, cải xoăn, rau muống, rau lang, rau đay, bông cải xanh,... đều rất tốt cho sức khỏe và giàu chất xơ
  • Các loại quả tươi ít ngọt: quả mọng (dâu tây, việt quất, cam,...), bưởi, ổi, thanh long, đu đủ chín,...

Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, gạo xát dối, yến mạch, quinoa, lúa mạch,... không chỉ cung cấp năng lượng mà còn có chỉ số đường huyết thấp, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Đối với các dạng mỳ, bánh mỳ, bún,... cũng nên lựa chọn nguyên liệu từ ngũ cốc nguyên hạt.

Chất béo lành mạnh

  • Dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu thực vật: các loại dầu này chứa chất béo không bão hòa, giúp hỗ trợ tim mạch và duy trì sức khỏe chung.
  • Các loại hạt: hạnh nhân, hạt chia, hạt lanh, óc chó, mắc ca,... là những nguồn cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho thai kỳ, bao gồm cả những chất béo lành mạnh.

Chất đạm lành mạnh

  • Đạm động vật ít béo: thịt nạc, cá, tôm, cá nhỏ, cua,... cung cấp protein và các dưỡng chất quan trọng mà không chứa nhiều chất béo.
  • Đậu: đậu đen, đậu đỏ, đậu lăng, đậu phụ, đậu nành,...

Tiểu đường thai kỳ nên kiêng ăn gì?

Thực phẩm có chỉ số đường cao

Các thực phẩm chứa nhiều đường làm tăng nhanh lượng đường trong máu, gây khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết. Mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ cần hạn chế các thực phẩm như:

  • Miến dong, bánh mì trắng, tinh bột tinh chế: chứa tinh bột tinh chế, dễ dàng chuyển hóa thành đường trong cơ thể
  • Mỳ tôm, mỳ gói: các loại mỳ này cũng có hàm lượng tinh bột cao và chứa nhiều muối, không có lợi cho mẹ bầu
  • Kẹo, bánh ngọt, chocolate
  • Trái cây sấy khô
  • Trái cây ngọt: táo, na, nhãn, vải, mít, chuối, hồng xiêm, chôm chôm,...
  • Đường cát trắng không nên sử dụng quá nhiều

Thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh

  • Khoai tây chiên, khoai tây nghiền; thực phẩm chiên rán: Các loại khoai tây chế biến sẵn thường chứa nhiều chất béo và tinh bột tinh chế, muối, chất béo chuyển hoá... không phù hợp với mẹ bầu bị đái tháo đường.
  • Mỳ tôm, mỳ gói: Các loại mỳ này cũng có hàm lượng tinh bột cao và chứa nhiều muối, không có lợi cho mẹ bầu.

Chất béo bão hòa

Mỡ động vật, nội tạng động vật (gan, cật, tim, óc,...) chứa nhiều chất béo bão hòa, không tốt cho sức khỏe.

Các loại đồ uống cần tránh

  • Đồ uống có cồn: rượu và các đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, gây ra các biến chứng trong thai kỳ
  • Nước ngọt có ga, nước trái cây đóng hộp: chứa lượng đường cao và hấp thu nhanh

Câu hỏi thường gặp

Đái tháo đường thai kỳ có nguy hiểm không?

Đái tháo đường thai kỳ nguy hiểm khi không được kiểm soát tốt, có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát, bao gồm:

  • Thai nhi có thể bị quá to (macrosomia), dẫn đến khó sinh hoặc sinh mổ
  • Nguy cơ cao mắc đái tháo đường type 2 sau khi sinh cho cả mẹ và con
  • Tăng huyết áp, tiền sản giật có thể xảy ra đối với mẹ bầu
  • Sinh non, dị tật bẩm sinh, thai chết lưu trong trường hợp nặng

Uống nước mía và nước dừa có gây tăng đường huyết?

Bất kỳ thực phẩm nào có chứa đường đều làm cho đường huyết tăng lên. Tuy nhiên, nếu uống với lượng vừa phải và kết hợp với chế độ ăn uống cân đối, nước mía hay nước dừa không gây nguy hiểm.

Tinh bột có vai trò gì trong chế độ ăn uống của mẹ bầu?

Tinh bột đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn của mẹ bầu vì cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Trong suốt thai kỳ, nhu cầu năng lượng của mẹ tăng lên để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và duy trì sức khỏe của bản thân.

Tinh bột giúp duy trì mức đường huyết ổn định nhờ vào các thực phẩm có chỉ số GI thấp hoặc trung bình, từ đó tránh tình trạng đường huyết tăng hoặc giảm đột ngột, đặc biệt quan trọng với các mẹ bị đái tháo đường thai kỳ.

Các nguồn tinh bột nguyên hạt như gạo lứt, khoai lang hay yến mạch còn cung cấp chất xơ, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ngăn ngừa táo bón.

Những loại đồ uống nào tốt cho thai kỳ?

  • Nước lọc: Giữ cơ thể luôn đủ nước, rất quan trọng trong thai kỳ
  • Sữa không đường/sữa bầu: sữa có thể cung cấp canxi và vitamin D, tốt cho sự phát triển của thai nhi và sức khoẻ của mẹ

Kết luận

Đái tháo đường thai kỳ là một tình trạng phổ biến nhưng có thể được kiểm soát tốt nếu mẹ bầu duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và thường xuyên theo dõi sức khỏe, tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.

Việc kiêng ăn các thực phẩm có hàm lượng đường cao, tinh bột tinh chế và chất béo không lành mạnh, đồng thời bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ, protein và chất béo lành mạnh sẽ giúp kiểm soát mức đường huyết hiệu quả.

Tài liệu tham khảo

  1. Dinh dưỡng lâm sàng, Bộ Y tế
  2. Dinh dưỡng lâm sàng, Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Đang xem: Mẹ bầu tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và kiêng ăn gì?

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng