
Trẻ biếng ăn phải làm sao là nỗi băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh khi con thường xuyên từ chối thức ăn, ăn rất ít hoặc chỉ ăn một vài món quen thuộc. Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến cân nặng, chiều cao mà còn cản trở sự phát triển toàn diện của trẻ. Việc tìm ra nguyên nhân cụ thể và có giải pháp phù hợp là điều vô cùng quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và gợi ý giúp cha mẹ cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ một cách hiệu quả.
Nguyên nhân biếng ăn
Nguyên nhân sinh lý
Trẻ em có những giai đoạn phát triển tự nhiên mà trong đó có thể xuất hiện hiện tượng biếng ăn. Ví dụ, trong giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi, trẻ có thể bắt đầu kén chọn thức ăn do sự thay đổi về sự phát triển vị giác và khả năng tự kiểm soát ăn uống. Điều này hoàn toàn bình thường và thường không kéo dài.
Nguyên nhân bệnh lý
Trẻ biếng ăn cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe. Một số bệnh lý có thể gây biếng ăn bao gồm:
- Bệnh lý tiêu hóa: các bệnh như viêm dạ dày, viêm ruột, hoặc các vấn đề liên quan đến hấp thụ dinh dưỡng có thể khiến trẻ không muốn ăn.
- Các bệnh lý khác: các bệnh nhiễm trùng cấp tính như viêm họng, viêm amidan, hoặc cảm cúm có thể làm trẻ cảm thấy mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn, mất đi nhiều vitamin và khoáng chất.
Nguyên nhân tâm lý
Tâm lý của trẻ có thể là yếu tố lớn ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của trẻ. Trẻ có thể biếng ăn khi bị căng thẳng, lo âu hoặc có trải nghiệm không vui trong các bữa ăn. Ngoài ra, môi trường gia đình và thói quen ăn uống của cha mẹ cũng ảnh hưởng đến thói quen ăn của trẻ. Những trẻ có cha mẹ quá nghiêm khắc trong việc ăn uống, hoặc những trẻ bị ép ăn quá mức, có thể trở nên sợ hãi bữa ăn và dần dần biếng ăn nhiều hơn.
Nguyên nhân do chế độ ăn không hợp lý
- Người mẹ khi mang thai trong chế độ ăn uống bị thiếu các vi chất sắt, kẽm, canxi, vitamin,... làm trẻ suy dinh dưỡng từ ngay từ trong bụng mẹ
- Khẩu phần ăn thiếu chất (đặc biệt là kẽm, sắt, một số vitamin,...) cũng là nguyên nhân dẫn đến biếng ăn ở trẻ.
- Sắp xếp các bữa ăn chưa hợp lý
- Khẩu vị nhàm chán, không đa dạng và đẹp mắt
>>> Xem thêm: Thực đơn cho bé 3 4 tuổi biếng ăn – Giải pháp dinh dưỡng giúp bé ăn ngon hơn
Dấu hiệu biếng ăn
Từ chối thức ăn, kén chọn thức ăn
Trẻ biếng ăn sẽ thường xuyên từ chối các món ăn, thậm chí quấy khóc. Trẻ biếng ăn cũng thường có xu hướng kén chọn món ăn, chỉ muốn ăn một số loại thức ăn nhất định, chẳng hạn như đồ ngọt hoặc thực phẩm có hương vị quen thuộc.
Thời gian ăn kéo dài
Trẻ có thể ăn rất chậm, ngậm nhưng không nuốt nên không thể hoàn thành bữa ăn trong khoảng thời gian bình thường.
Tăng cân chậm/không tăng cân
Trẻ biếng ăn thường không tăng cân đúng mức theo độ tuổi. Việc thiếu hụt dinh dưỡng có thể dẫn đến sự phát triển chậm về thể chất và tinh thần, khiến trẻ gặp khó khăn trong việc bắt kịp các bạn cùng trang lứa.
Sợ hãi hoặc lo âu khi ăn
Một số trẻ có thể có cảm giác sợ hãi hoặc lo âu, chạy trốn, buồn nôn,... khi ngồi vào bàn hoặc thấy thức ăn. Đây có thể là dấu hiệu của sự căng thẳng hoặc những trải nghiệm không tốt trong quá khứ liên quan đến bữa ăn.
>>> Xem thêm: Bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn trong bao lâu?
Trẻ biếng ăn phải làm sao?
Xây dựng thực đơn hấp dẫn
Một trong những cách hiệu quả để giúp trẻ ăn ngon miệng hơn là xây dựng một thực đơn phong phú và hấp dẫn. Các bậc phụ huynh có thể thay đổi hình thức bữa ăn bằng cách trang trí món ăn đẹp mắt, sử dụng các nguyên liệu đa dạng và tạo ra sự mới mẻ trong từng bữa ăn. Các món ăn cũng nên được chế biến đơn giản nhưng đủ chất dinh dưỡng.
Tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn
Bữa ăn nên được tổ chức trong không khí vui vẻ, thoải mái, không có sự căng thẳng. Cha mẹ có thể tạo ra một không gian ăn uống thú vị, có thể kèm theo những câu chuyện vui nhộn hoặc cho phép trẻ lựa chọn món ăn mình thích. Không khí thoải mái sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi ăn.
Chia nhỏ bữa ăn
Nếu trẻ không ăn được nhiều trong một bữa, phụ huynh có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để trẻ có thể ăn từ từ và không cảm thấy bị ép buộc. Điều này cũng giúp giảm bớt sự căng thẳng cho trẻ khi đối diện với bữa ăn.
Tăng cường hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất là một cách giúp trẻ kích thích cảm giác thèm ăn. Việc tham gia vào các trò chơi ngoài trời hoặc các hoạt động thể dục có thể giúp trẻ tăng cường sức khỏe, đồng thời làm tăng nhu cầu năng lượng, giúp trẻ ăn nhiều hơn.
Khám dinh dưỡng
Nếu tình trạng biếng ăn kéo dài hoặc có dấu hiệu bất thường, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp xác định nguyên nhân biếng ăn, bổ sung vi chất hợp lý và đưa ra giải pháp điều trị phù hợp.
Thực phẩm hỗ trợ trẻ biếng ăn
Cần tăng cường các thực phẩm giàu dinh dưỡng giúp trẻ cải thiện tình trạng dinh dưỡng khi bị biếng ăn:
- Thực phẩm giàu chất đạm: Thịt nạc, cá, trứng, đậu đỗ và các loại thực phẩm giàu đạm giúp tăng cường phát triển cơ bắp và thể chất.
- Thực phẩm giàu sắt và kẽm: Thiếu sắt và kẽm có thể làm giảm cảm giác thèm ăn của trẻ. Các thực phẩm như thịt đỏ, gan, trứng, đậu, các loại hạt có thể bổ sung các vi chất này.
- Sữa và chế phẩm từ sữa: Sữa là nguồn cung cấp protein và canxi quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua cũng là những lựa chọn bổ sung dinh dưỡng tốt cho trẻ biếng ăn.
- Thực phẩm giàu chất béo: từ động vật và thực vật giúp bổ sung thêm nguồn năng lượng dồi dào và giúp hoà tan các loại vitamin (A, D, E, K) hiệu quả.
- Rau củ quả màu sắc: Các loại rau củ, trái cây nhiều màu sắc như cà rốt, bí đỏ, ớt chuông,... không chỉ hấp dẫn mà còn cung cấp nhiều vitamin giúp cải thiện sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.
>>> Xem thêm: Trẻ suy dinh dưỡng thấp còi nên bổ sung gì, ăn gì để phát triển?
Các câu hỏi thường gặp
Biếng ăn kéo dài ảnh hưởng gì sức khỏe?
Biếng ăn kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, cả về thể chất lẫn trí tuệ.
Nên bổ sung vitamin gì cho trẻ biếng ăn?
Các vitamin như vitamin nhóm B, vitamin D, vitamin A... rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ biếng ăn. Tuy nhiên, không nên tuỳ ý bổ sung mà phải có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng để tránh dư thừa.
Có nên sử dụng thuốc cho trẻ biếng ăn?
Việc sử dụng thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ khi mắc các bệnh lý thực thể khiến trẻ biếng ăn. Các thuốc bổ sung vi chất, enzymes tiêu hoá,...có thể được sử dụng trong một số trường hợp, nhưng cần thận trọng.
Cách phân biệt biếng ăn sinh lý và bệnh lý?
Biếng ăn sinh lý thường là tạm thời, liên quan đến sự phát triển tự nhiên của trẻ, trong khi biếng ăn bệnh lý thường kéo dài và kèm theo các triệu chứng như chậm tăng cân, mệt mỏi, hoặc các dấu hiệu sức khỏe bất thường khác.
Trẻ biếng ăn có cần khám bác sĩ?
Nếu tình trạng biếng ăn kéo dài hoặc có các dấu hiệu bất thường, như suy dinh dưỡng, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp.
Thực đơn nào phù hợp cho trẻ biếng ăn?
Thực đơn phù hợp cho trẻ biếng ăn nên đa dạng và có màu sắc hấp dẫn, kết hợp với các thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, rau củ, sữa và các loại trái cây.
Có nên ép trẻ ăn khi trẻ không muốn?
Không nên ép trẻ ăn khi trẻ không muốn, vì điều này có thể tạo ra tâm lý sợ hãi và làm tình trạng biếng ăn trở nên nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, hãy tạo không khí vui vẻ và thoải mái để trẻ cảm thấy hứng thú hơn với bữa ăn.