
Bệnh nhân xơ gan nên ăn gì? Người bệnh được các bác sĩ khuyên sử dụng các Thực phẩm giàu protein như thịt nạc, cá - Chất béo lành mạnh như dầu ô liu, quả bơ - Rau xanh và trái cây - Yến mạch, gạo lứt, quinoa... Mặc dù không thể phục hồi hoàn toàn các tế bào gan đã bị hư hỏng, nhưng việc duy trì một chế độ ăn uống hợp lý và khoa học có thể giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, giảm thiểu các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người xơ gan
Chế độ ăn cho người bị xơ gan cần đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất, giúp hỗ trợ chức năng gan, giảm bớt các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Bổ sung đủ dinh dưỡng
Năng lượng
Bệnh nhân xơ gan cần bổ sung khoảng 35 kcal/kg/ngày, tính theo trọng lượng cơ thể, có tính đến tình trạng báng bụng. Nếu bệnh nhân béo phì, nên giảm năng lượng từ 500-800 kcal so với bình thường.
Lượng protein cần cung cấp từ 1,2-1,5 g/kg/ngày để tránh hoặc cải thiện tình trạng teo cơ. Với bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng, hàm lượng protein cần tăng lên từ 1-1,8 g/kg/ngày. Đặc biệt, bổ sung BCAA (axit amin leucine, isoleucine, valin) 4g mỗi ngày giúp tăng tổng hợp albumin và protein cơ xương. Với bệnh nhân xơ gan nặng, BCAA có thể dùng kéo dài với 0,25g/kg/ngày.
Carbohydrat
Chiếm 50-60% năng lượng hàng ngày. Các nguồn carbohydrat tốt cho bệnh nhân xơ gan gồm ngũ cốc nguyên hạt, quinoa, yến mạch, gạo lứt và kiều mạch, vì chúng giàu chất xơ.
Hạn chế ăn thực phẩm giàu chất béo như mỡ động vật, đồ chiên xào, thức ăn nhanh, kem, sữa béo. Nên thay thế bằng chất béo có lợi như dầu oliu, dầu cá, dầu thực vật, quả bơ và các loại hạt dinh dưỡng.
Chất chống oxy hóa: Rau củ quả tươi giàu chất chống oxy hóa và vitamin giúp bảo vệ tế bào gan.
Kiểm soát lượng muối
Người bệnh xơ gan nên hạn chế tiêu thụ muối để giảm thiểu nguy cơ phù nề và tăng huyết áp. Muối có thể làm tăng giữ nước trong cơ thể, khiến tình trạng xơ gan trở nên trầm trọng hơn.
Việc giảm muối trong chế độ ăn cũng giúp ngăn ngừa các biến chứng như cổ trướng (bị tích nước trong bụng). Thông thường, lượng muối được khuyến nghị dưới 5g/ngày (1 muỗng cà phê); bệnh nhân não gan dưới 3g muối/ngày.
Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
Để gan dễ dàng tiếp nhận và tiêu hóa thức ăn, bệnh nhân xơ gan nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn 3 bữa lớn. Điều này giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn và giảm thiểu gánh nặng cho gan.
Duy trì cân nặng ổn định
Cân nặng là yếu tố quan trọng cần theo dõi ở người bệnh xơ gan. Cả tình trạng thừa cân và thiếu cân đều phản ánh tình trạng bệnh gan. Cần duy trì một cân nặng hợp lý bằng cách ăn đủ calo và kết hợp với chế độ tập luyện phù hợp.
>>> Xem thêm: Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan bạn cần biết
Người bệnh xơ gan nên ăn gì?
Thực phẩm giàu protein chất lượng
Protein giúp phục hồi và tái tạo các tế bào trong cơ thể, đặc biệt là các tế bào gan. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại protein chất lượng rất quan trọng đối với bệnh nhân xơ gan. Các nguồn protein phù hợp bao gồm:
- Thịt nạc: thịt gà, thịt bò nạc, thịt lợn nạc và trứng cung cấp protein dễ tiêu hóa và hàm lượng BCAA cao.
- Cá: các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá ngừ là nguồn cung cấp omega-3 và protein tốt cho gan.
- Đậu và các loại hạt: đậu lăng, đậu đen, đậu xanh, đậu nành, đậu phụ,... hạt chia và hạt lanh không chỉ cung cấp protein mà còn bổ sung chất xơ và các chất béo lành mạnh cho cơ thể.
Chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh có vai trò quan trọng trong việc giảm viêm và bảo vệ gan khỏi tổn thương. Các nguồn chất béo lành mạnh bao gồm:
- Dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu thực vật: chứa các axit béo không bão hòa giúp giảm viêm và bảo vệ gan.
- Quả bơ: là nguồn cung cấp chất béo không bão hòa và các vitamin E, K rất tốt cho sức khỏe.
- Hạt và quả hạch: hạt óc chó, hạt chia, hạt lanh, hạnh nhân,... cung cấp chất béo lành mạnh và dưỡng chất hỗ trợ chức năng gan.
Rau xanh và trái cây
Rau xanh và trái cây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ thiết yếu cho cơ thể. Một số loại rau và trái cây đặc biệt tốt cho bệnh nhân xơ gan:
- Rau xanh lá: rau cải xanh, cải xoăn, rau mùi, rau muống giúp bổ sung vitamin K, chất xơ và các khoáng chất hỗ trợ chức năng gan.
- Trái cây ít đường: bưởi, táo, lê, dâu tây, việt quất,...
Các loại ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, quinoa, lúa mạch cung cấp chất xơ, giúp cải thiện tiêu hóa và kiểm soát lượng đường trong máu, đồng thời cung cấp năng lượng bền vững cho cơ thể.
Các loại thực phẩm cần tránh cho người xơ gan
Thực phẩm nhiều muối
Muối có thể khiến cơ thể giữ nước, gây ra phù nề, báng bụng. Người bệnh xơ gan cần hạn chế nêm nếm thức ăn quá mặn, thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, thực phẩm ăn liền, thức ăn nhanh, dưa cà muối, và các món ăn nhiều muối khác.
Thực phẩm chứa nhiều đường
Đường tinh luyện và các sản phẩm chứa đường có thể làm đường huyết tăng nhanh, tăng mức độ viêm trong cơ thể và tạo áp lực lên gan. Các loại đồ ngọt như bánh kẹo, nước ngọt có ga, thức uống chứa đường tinh luyện nên được hạn chế.
Thực phẩm chứa chất béo bão hòa
Chất béo bão hòa có thể làm tăng viêm và mỡ trong gan. Các thực phẩm như thịt mỡ, nội tạng động vật, thực phẩm chiên rán, thức ăn nhanh, bánh ngọt chế biến sẵn cần hạn chế tối đa.
Rượu và đồ uống có cồn
Rượu, bia, thức uống có cồn là một trong những nguyên nhân chính gây tổn thương gan. Người bị xơ gan nên hoàn toàn tránh xa các loại đồ uống có cồn để bảo vệ gan và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Thực đơn tham khảo cho người bệnh xơ gan
Thực đơn tham khảo cho người xơ gan (Năng lượng khoảng 1600 kcal)
- Sáng: bánh canh cá lóc: bánh canh 60g + cá lóc 4-5 khứa + giá đậu xanh 50g + dầu thực vật 5g
- Phụ sáng: sữa cho người bệnh xơ gan
- Bữa trưa: cơm 1 chén + thịt gà kho sả (4-5 miếng vừa) + canh bí đỏ nấu thịt băm (bí đỏ 1 chén lưng + thịt heo ½ muỗng canh + ½ muỗng canh dầu); thanh long ⅓ trái trung bình
- Phụ trưa: 1 hũ sữa chua không đường
- Chiều: cơm 1 chén + thịt bò xào ớt chuông (thịt bò 5-6 khối vuông nhỏ + ớt chuông ½ chén + ½ muỗng canh dầu) + canh cải nấu thịt (cải ½ chén + thịt heo ½ muỗng canh + ½ muỗng canh dầu); táo ½ trái trung bình
- Phụ tối: sữa cho người bệnh xơ gan
Leisure Liver - Soup uống dinh dưỡng công thức tối ưu cho gan
Leisure Liver là bữa ăn dạng soup uống từ nguyên liệu tự nhiên, giúp hỗ trợ tăng cường chức năng gan và ngăn ngừa suy mòn cơ cho bệnh nhân suy gan, viêm gan, xơ gan. Sản phẩm cung cấp 100% năng lượng từ nguyên liệu tự nhiên và protein thủy phân từ động vật và thực vật, cùng chất béo MCTs dễ hấp thu.
Với hơn 3,6g BCAAs các axit amin mạch nhánh (L-leucine, L-isoleucine, L-valine), β-Glucan và L-Arginine, Leisure Liver giúp bảo vệ chức năng gan, tăng cường chuyển hoá và hỗ trợ miễn dịch. Sản phẩm còn cung cấp omega-3, chất xơ tự nhiên và 26 vitamin khoáng chất, giúp chống lại quá trình viêm và phục hồi chức năng gan.
>>> Xem thêm: Leisure Liver - Soup uống dinh dưỡng công thức tối ưu cho gan
Câu hỏi thường gặp
Người bị xơ gan có nên ăn đồ ngọt không?
Người bệnh xơ gan nên hạn chế ăn đồ ngọt, đặc biệt là các loại thực phẩm chứa đường tinh luyện, đường hấp thu nhanh. Đồ ngọt có thể làm tăng đường huyết, tăng mức độ viêm và tạo áp lực lên gan.
Xơ gan nên bổ sung loại protein nào?
Người bệnh xơ gan nên bổ sung các loại protein từ cá, thịt nạc, đậu, trứng và các loại hạt. Các nguồn protein này dễ tiêu hóa, chứa hàm lượng BCAA cao và hỗ trợ cho quá trình chuyển hoá của gan.
Các loại trái cây nào tốt cho người bệnh xơ gan?
Các loại trái cây như bưởi, táo, lê, dâu tây và việt quất,... rất tốt cho người bị xơ gan nhờ vào hàm lượng vitamin C và chất chống oxy hóa cao.
Xơ gan có nên uống sữa không?
Sữa là một nguồn cung cấp canxi và protein quan trọng. Người bệnh xơ gan nên chọn sữa phù hợp, hạn chế đường và uống với lượng vừa phải.
Tại sao cần hạn chế muối trong chế độ ăn?
Muối có thể gây giữ nước và làm tăng huyết áp, dẫn đến phù nề và cổ chướng ở bệnh nhân xơ gan. Việc hạn chế muối giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khi mắc các bệnh lý gan
Bệnh nhân xơ gan nên ăn bao nhiêu bữa một ngày?
Người bệnh xơ gan có thể chia nhỏ thành 5-6 bữa mỗi ngày thay vì 3 bữa lớn để dễ dàng tiêu hóa và cung cấp dinh dưỡng liên tục cho cơ thể.
Xơ gan mất bù cần chú ý gì trong dinh dưỡng?
Bệnh nhân xơ gan mất bù cần bổ sung đầy đủ protein chất lượng cao, đầy đủ năng lượng theo nhu cầu, tránh các thực phẩm có cồn, hạn chế muối và theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe với sự hướng dẫn của bác sĩ.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị xơ gan và duy trì chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, ít muối, chất béo lành mạnh và các thực phẩm dễ tiêu hóa sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho gan, đồng thời giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh hơn.
Tài liệu tham khảo
- Dinh dưỡng học, Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
- Dinh dưỡng lâm sàng, Bộ Y tế